Tuy số người mắc sốt xuất huyết (SXH) không cao như các địa phương khác song tình hình dịch ở TP Tuy Hòa cũng đáng lo ngại với 6 ổ dịch mới xuất hiện trong chưa đầy 1 tháng, và đã có 1 người tử vong. Câu hỏi đặt ra là vì sao ngay tại trung tâm tỉnh lỵ, người dẫn vẫn chủ quan với SXH?
Nhiều trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết - Ảnh: T.THỦY
Bác sĩ Đoàn Hùng Ánh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, cho biết: Các ổ dịch SXH mới được phát hiện gần đây gồm: khu phố 2 (phường 4), khu phố Ngô Quyền (phường 5), thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc), thôn Xuân Hòa (xã Hòa Kiến) và khu phố 6 (phường 2). Trong đó đáng lo ngại nhất là Xuân Hòa. Đây là địa bàn rộng, dân cư thưa thớt. Tại đây, trong một thời gian ngắn, có 20 ca SXH; 11 ca phải nhập viện, trong đó 1 ca tử vong vào ngày 3/7. Theo ước lượng dịch tễ, khi có 1 người tử vong thì có khoảng vài trăm người nhiễm vi rút SXH. “Vì vậy đây là địa bàn mà chúng tôi chú trọng và đã phun thuốc lần thứ hai. Cách đây mấy ngày, UBND xã Hòa Kiến cũng đã tổ chức tổng vệ sinh, diệt bọ gậy”, bác sĩ Ánh cho biết.
Vì sao SXH tăng nhanh trong thời gian gần đây và xuất hiện nhiều ổ dịch ở TP Tuy Hòa? Theo bác sĩ Ánh, có 4 tuýp vi-rút gây bệnh SXH. 4 tuýp này không miễn dịch chéo nhau. Bệnh nhân mắc SXH tuýp nào thì chỉ miễn dịch tuýp đó, nhưng nếu mắc tuýp khác thì bệnh sẽ nặng hơn. Trong khi đó, người dân lại chủ quan, cứ nghĩ mình từng mắc SXH rồi cho nên lơ là trong phòng bệnh.
Thêm vào đó, gần đây thường có những cơn mưa rào, thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Mặt khác, một số bà con có thói quen ỷ lại vào ngành Y tế, trông chờ ngành Y tế phun thuốc và… đổ bọ gậy cho mình chứ không tự mình kiểm tra những dụng cụ chứa nước trong và ngoài nhà.
Trước tình hình SXH diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa đã tham mưu UBND thành phố tổ chức hội nghị phòng chống SXH, sớm phun thuốc chủ động. Nhờ đó, ổ dịch chưa lan tràn nhưng vẫn xuất hiện rải rác ở các phường.
Bác sĩ Đoàn Hùng Ánh cho biết: Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa tiếp tục giám sát tất cả các hoạt động phòng chống SXH trên địa bàn thành phố, từ công tác chỉ đạo của UBND phường/xã, việc tham mưu của các trạm y tế đến việc thực hành của người dân. Nếu nơi nào có chỉ số bọ gậy, muỗi cao thì tiếp tục tổng vệ sinh diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với Ban Chỉ đạo hè thành phố tổ chức cho thanh thiếu niên cùng các trạm y tế tổng vệ sinh diệt bọ gậy. Việc phun thuốc diệt muỗi cũng được mở rộng sang các thôn lân cận Xuân Hòa là Tường Quang, Quan Quang, Sơn Thọ, đồng thời đề nghị Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa tổng vệ sinh diệt bọ gậy ở thôn giáp ranh Xuân Hòa, thuộc xã Hòa Trị.
Bác sĩ Ánh khuyến cáo: Khi có dấu hiệu sốt, trước mắt hãy đến trạm y tế. Và từ trạm y tế sẽ phân tuyến, nhẹ thì điều trị tại trạm, nặng thì chuyển lên tuyến trên. Nếu muốn khám bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân thì nên khám ở những phòng mạch được Sở Y tế cấp giấy phép. Cần lưu ý là vi-rút gây bệnh SXH có 4 tuýp và không miễn dịch chéo. Muỗi truyền bệnh SXH có khả năng kháng thuốc nếu phun thuốc nhiều lần. Và đừng bao giờ chủ quan rằng đã phun thuốc rồi thì không diệt bọ gậy. Một tuần hãy diệt bọ gậy một lần.
YÊN LAN