Rặng núi La Hiên nằm sát bên thị trấn La Hai huyện Đồng Xuân, có độ cao trên 130 mét so với mặt nước biển, nhìn từ xa La Hiên như một mái nhà doi ra chắn gió mưa. Trên rặng La Hiên có hòn núi nhỏ mà dân trong vùng gọi là Hòn Oâng và một hòn khác kề bên gọi là Hòn Bà.
Hòn ông - Hòn Bà ở Đồng Xuân - Ảnh: D.T.X
Rặng La Hiên xưa kia là nơi Nguyễn Hào Sự dùng làm căn cứ luyện tập binh sĩ, đồng thời là chiến lũy chống Pháp rất vững chắc, bỡi trước mặt là dòng sông Cái (hạ lưu của sông Trà Bương, Cà Bương) ba bên là núi rừng trùng điệp. Pháp đã nhiều lần mang quân tấn công, nhưng thảy đều bị ngăn chặn, gây nhiều tổn thất cho quân lính viễn chinh.
Sau này khi Nguyễn Hào Sự cùng nghĩa binh thất bại thì giặc Pháp đã tiến hành xây dựng cứ điểm quân sự trên núi, mà nhân dân Đồng Xuân gọi là thành (trụ?) Bồ. Trong quá trình xây dựng, thực dân Pháp sức nhiều dân công là nhân dân địa phương và tù binh khiêng những tảng đá lớn từ chân núi lên nhưng khi lên được tới lưng chừng núi thì trời bỗng tối sầm lại như mực đen, khiến các dân công và bọn chỉ huy Pháp không thể tìm thấy đường đi nữa. Nhưng khi bỏ cuộc đi xuống khỏi núi thì trời bỗng nhiên bừng sáng trở lại, như đất trời vần không hề thay đổi như trước đây mấy phút. Sau hàng chục lần khiêng đá lên núi không thành, thực dân háp đành cho xây 4 trụ đá quanh hòn Oâng và cho trồng bồ lên chính giữa 4 trụ nhằm yểm tướng, nghĩa là làm cho hào kiệt nước Nam mất nhuệ khí, không còn sức phản kháng, hưng binh chống lại bọn chúng.
Khi vừa mới xây xong, trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm lại à trút cơn mưa như thác đổ làm nghiêng ngã các cột trụ đá. Gió to lại nổi lên làm cuộn bay chiếc bồ, trên núi đá hòn lớn hòn nhỏ lăn xuống như vãi trấu khiến bọn giặc Pháp thất điên bát đảo bỏ chạy tán loạn.
Các cụ cũng kể thêm rằng, mấy ngày sau, khi đã hoàn hồn, bọn Pháp lại kéo binh lính lên núi La Hiên đóng quân, nhưng trưa đó trời bỗng nổi cơn cuồng phong kéo phăng bọn chúng lăn lông lốc xuống chân núi. Chúng đành bỏ cuộc, thôi hông lên đóng quân trên núi nữa, nhưng lại bố trí đồn binh chung quanh chân núi. Đêm đến, những đêm tối trời, khi vừa mới canh hai thì có hàng đoàn binh sĩ nước Nam với gươm giáo, súng hỏa mai bước đi rầm rập, hô vang “xung phong” khiến giặc Pháp phải bao phen kinh hoàng đởm mật. Hiện tượng này cứ lập đi lập lại mãi khiến bọn chúng phải cho dời trại binh đóng ra xa hơn.
Ngày nay, núi La Hiên vẫn sừng sững với bản hùng ca của người anh hùng Nguyễn Hào Sự, để sau này, ông Phan Lưu Thanh thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Phú Yên trên mảnh đất hào hùng của cha ông thuở trước.
ĐOÀN VIỆT HÙNG