Thứ Bảy, 12/10/2024 16:18 CH
Vùng đất thiêng và 60 năm bài thơ Đèo Cả
Thứ Bảy, 17/02/2007 17:14 CH

070218-Nui-Da-Bia.jpg

Núi Đá Bia - Ảnh: D.T.X

Có một đường đèo khúc khuỷu mang tên Cả khá gập ghềnh trên đường thiên lý Bắc Nam làm ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa đã đi vào lịch sử mở nước và giữ nước của dân tộc.

 

Đèo Cả xuyên qua dãy núi Đại Lãnh (ngọn núi lớn) có tên chữ là đèo Hổ Dương, hàm ý chỉ địa danh này có nhiều cọp xuất hiện, người xưa muốn qua đèo phải chờ đông người. Giai thoại dân gian Phú Yên cũng từng thêu dệt có những “Võ Tòng” quê mình đã từng đả hổ trên con đèo này.

Nơi đây, tháng tư năm Quý Tỵ (1653), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm biên cảnh, “Chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) sai cai cơ Hùng Lộc đi đánh, chiếm lấy vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông Phan Rang”, đặt dinh mới là Thái Khang (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục tiền biên, tập 1, NXB Sử học, Hà Nội, trang 83) – ngày nay là tỉnh Khánh Hòa.

 

Kể từ năm 1611, khi Phú Yên có tên chính thức trên bản đồ Đại Việt với danh xưng là phủ và sau đó 18 năm – năm 1629 – được nâng cấp là dinh Trấn biên, mở đầu cho sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, sự kiện Hùng Lộc Hầu đưa quân vượt đèo Cả năm 1653 ghi dấu một cái mốc quan trọng của dân tộc mở nước về phương nam.

 

Đèo Cả trải dài từ chân núi Đá Bia vượt qua dãy Đại Lãnh dài hơn 12 cây số. Ngay từ thế kỷ IV, tấm bia Chăm khắc ở chân núi Nhạn (hiện lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam) gọi núi Đá Bia là Lingaparvatha (Linga đại sơn thần – tức thần Siva). “Đường thư Chiêm Thành truyện” đời nhà Đường Trung Quốc gọi núi Đá Bia là Lăng già bát bạt đa (phiên âm Lingaparvatha).

 

Ông cha ta phong núi Đá Bia là “thiên nam đệ nhất trụ” (cây trụ kỳ vĩ nhất trời nam) gắn với sự tích và cả huyền tích vua Lê Thánh Tôn chọn đỉnh núi này phân định ranh giới Việt – Chiêm năm 1471. Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ trên đường về kinh đô (Huế) giữa thế kỷ XIX đã từng có bài thơ Vịnh Đá Bia: “Nhất phiến sơn đầu thạch” (Mảnh đá đầu non dựng). Dân gian Phú Yên gọi núi Đá Bia là núi Ông Bia. Địa danh dân dã ấy xuất phát từ lòng tôn kính bởi ở thôn Hảo Sơn (dưới chân núi) có di tích dinh Bà thờ Thiên Y Ana (bà mẹ xứ sở). Miếu thờ ấy là nơi mở đầu con đường cũ vượt đèo Cả sang Khánh Hòa mà bà con địa phương gọi là truông Gia Long – nơi lưu dấu ấn những cuộc hành quân quy mô lớn của cả hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thiên nhiên hùng vĩ của dãy Đại Lãnh và Đá Bia – Đèo Cả soi bóng xuống Vũng Rô đã được vua Minh Mạng chọn khắc vào Tuyên Đỉnh (một trong 13 đỉnh đồng khắc các thắng cảnh quốc gia được đặt tại Thế miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.

 

Đá Bia được nền văn minh Chăm-pa tôn vinh là Linga đại sơn thần thì Vũng Rô – một tuyệt tác của thiên nhiên in bóng Đá Bia như một bức tranh sơn thủy hoàn chỉnh – xứng đáng được tôn vinh là Youni đại hải thần.

 

Vũng Rô có tên cũ là Vũng Ô Rô. Năm 1946, nhà giáo Bùi Xuân Các và nhà văn Ngọc Cư là trưởng, phó ty thông tin tuyên truyền Phú Yên đến thăm các đơn vị vệ quốc quân trấn giữ phòng tuyến đèo Cả. Những người lính vệ quốc trẻ trung trong chiếc áo trấn thủ mong chống chọi với giá rét mùa đông là nguồn cảm xúc để nhà văn Ngọc Cư viết bài ký “Đêm vũng Rô”. Sau này có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về nhà văn Ngọc Cư nhưng bài ký “Đêm Vũng Rô” đăng trên báo Chiến Thắng (tiền thân của Phú Yên ngày nay) có sức lan tỏa rất sâu, rất xa và địa danh Vũng Rô được nhiều người biết đến. Nhiều người quên cả tên cũ là Vũng Ô Rô.

 

Có hai chiến sĩ vệ quốc tại phòng tuyến Đèo Cả mùa đông năm 1946 là hai người con miền Thanh Nghệ trong đoàn quân Nam Tiến, là hai nhà thơ chiến sĩ (Hữu Loan và Văn Công) cùng có bài thơ có tên là “Đèo Cả”. Trong hoàn cảnh khốc liệt của cuộc chiến trực diện sinh tử với kẻ thù hùng mạnh, nhà thơ Văn Công vẫn tràn đầy niềm lạc quan với những vần thơ lục bát vừa dung dị vừa kiêu hùng:

 

Đứng trên đỉnh núi đồi mây

Ngắm nhìn bọn giặc tỉnh say dưới đèo.

 

Bài “Đèo Cả” của Hữu Loan, một trong những viên ngọc long lanh hiếm hoi của thơ ca cách mạng thời kháng Pháp, đã đặc tả hiện thực hào hùng của mặt trận đèo Cả bằng nhịp thơ rất mới, vừa mang âm hưởng “Thục đạo nan” của Lý Bạch, vừa chứa đựng tinh túy, dòng thơ cách tân của Mai-a-cốp-xki, tất cả hòa quyện thành một phong cách thể hiện hoàn toàn mới mẻ so với các trường phái thơ mới trước đó.

 

Những vần thơ đẹp, vừa gân guốc vừa lãng mạn như khí thế một dân tộc vùng lên bảo vệ nền độc lập non trẻ. Đèo Cả trong thơ Hữu Loan vừa bí ẩn vừa kỳ vĩ như “đường lên trời” của “Thục đạo nan”.

 

Đèo Cả!

Đèo Cả

Núi cao vút

Mây trời Ai Lao

Sầu đại dương

 

Những người lính vệ quốc trấn giữ Đèo Cả như những tráng sĩ thời xưa ra biên ải, heo hút chập chùng trong sương sa giá lạnh, như chìm vào sương khói Đường thi trong những vần thơ biên tái nhưng thực hiện một nhiệm vụ vô cùng cao cả: biến Đèo Cả trở thành lũy thép bảo vệ tỉnh Phú Yên vùng tự do Liên khu V.

 

Dặm về heo hút

Đá Bia mù sương

Bên quán “Hồng quân”

người ngựa mỏi

Nhìn dốc ngồi than

Thương ai lên đàng...

 

Đọc lại chính sử, cuối năm 1945, mặt trận Khánh Hòa bị vỡ, quân ta điều tiểu đoàn Cao Thắng và một đại đội tự vệ vào lập phòng tuyến ở Đèo Cả và truông Gia Long.

 

Những người lính ngày đêm bám trận địa, vất vả trăm bề, ngời lên lồng lộng như một khúc tráng ca vừa bi hùng vừa lãng mạn:

 

Ngày thâu vượn hú

Đêm canh gặp hùm lang thang

Rau khe cơm vắt

Áo phai màu chiến trường

Gian nguy lòng không nhạt

Căm thù trăm năm xa

Máu thiêng sôi dào dạt

Từ nguồn thiêng ông cha.

 

Tháng 5-1946, quân ta xuất quân cấp trung đoàn vượt Đèo Cả tiến công Tu Bông – Vạn Giã. Tháng 6-1946, địch tung quân phản kích dữ dội vào phòng tuyến Đèo Cả. Thế trận ác liệt, giằng co. Người chiến sĩ vệ quốc kiên gan trụ bám, đẩy lùi nhiều đợt tiến công từ nhiều phía của quân thù:

 

Giặc từ Vũng Rô bắn tới

Giặc từ trong tràn ra

Nhưng Đèo Cả   vẫn đứng vững

Đèo Cả Nam máu giặc

mấy lần nắng khô

 

60 năm. Bài thơ “Đèo Cả” đi cùng năm tháng đã hóa vào bất tử của dòng chảy lịch sử dân tộc và lịch sử văn học.

 

Suối mang bóng người soi những về đâu?

 

Câu kết bài thơ làm sống dậy “những người muôn năm cũ” của những năm tháng hào hùng 60 năm trước. Nhà thơ Hữu Loan (sinh 1916) mùa xuân này tròn tuổi 92 vẫn nhớ chiến trường xưa và mong lắm một lần trở lại Đèo Cả, uống ly rượu gạo nhớ về một thời trai trẻ. Nhà thơ Văn Công – nay đã ngoài tám mươi cũng đang hăm hở những chuyến về nguồn thăm lại chiến trường xưa.

 

Nối bước những nhà thơ – chiến sĩ vệ quốc, những giải phóng quân thời chống Mỹ tạo nên kỳ tích mở bến Vũng Rô tại vùng đất thiêng này.

 

Đá Bia – Đèo Cả – Vũng Rô, từ quá khứ đến hiện tại là một dòng chảy liên tục đẫm chất tráng ca và tình ca. Dòng chảy ấy đang tiếp sức cho tương lai với những dự án kỳ vĩ đã và đang triển khai: hầm đường bộ qua Đèo Cả, cảng quốc tế Vũng Rô nối liền với Vân Phong… Cả một vùng kinh tế trọng điểm phía nam Phú Yên đang cựa mình chuyển động. Vẫn còn đó nét hoang sơ phơ phơ lau lách nhưng Đá Bia – Đèo Cả – Vũng Rô đang ngời sáng vẻ đẹp dịu dàng thăm thẳm qua bề dày lịch sử. Hồn thiêng sông núi cùng đồng hành ra trận viết tiếp bài ca lao động hùng tráng trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.

 

BA ĐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lãng mạn Bãi Môn
Chủ Nhật, 18/02/2007 13:30 CH
Tiên nữ ở Bãi Tiên
Thứ Ba, 13/02/2007 08:43 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek