Thứ Bảy, 12/10/2024 18:20 CH
Truyền thuyết gò Cà và vực Linh Thiêng
Thứ Hai, 05/02/2007 10:33 SA

Gò Cà nằm ở phía nam dãy Cù Mông thuộc địa phận xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu. Từ trung tâm xã Xuân Lộc, đi về phía tây khoảng trên 2 cây số có một gò đất nổi cao nằm dưới chân núi là nơi xưa kia chôn cất các chiến sĩ tử nạn thời Nam tiến.

 

070205-go-Ca.jpg
Gò Cà - Ảnh: Trần Quỳ

 

Tương truyền, khi vua Lê Thánh Tông mang đại quân vào phía nam mở mang bờ cõi, và sau này là Lương Văn Chánh, Văn Phong… trong các trận giao tranh lớn nhỏ, quân sĩ hai bên tử trận đều được chôn cất tử tế, đặc biệt với quân Đại Việt đều được an táng trên núi cao, tại Gò Cà. Tại đây, quan quân và nhân dân địa phương xây dựng một ngôi miếu gọi là miếu Phò Giá  Đại Vương để thờ các binh sĩ đã hy sinh trong chiến trận. Hàng năm đều cúng tế linh đình. Thời gian trôi qua cùng mưa nắng khiến cho ngôi miếu đổ nát, làm xói lở các ngôi mộ nghĩa quân, nên sau này quan quân đưa tất cả các bộ xương vào ba ngôi tháp lớn mà thờ. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, khiến ngôi miếu và ba toà cổ tháp cũng không còn nữa. Hiện nay Gò Cà chỉ còn lại một bãi đất bằng phẳng, cỏ cây, bụi rậm mọc um tùm, ba ngôi tháp cổ chỉ còn phần đế móng. Có một truyền thuyết về ngôi miếu này như sau: 

 

Những năm Tây Sơn chuẩn bị khởi binh, chiêu tập nông dân quanh vùng An Khê, Bình Đinh, Vân Canh, La Hiên… vào quân cơ, chia thành đội ngũ để luyện tập theo binh pháp trong nhiều năm ròng rã. Hễ chiều buông xuống, mặt trời lặn sau những dãy núi cao phía tây, hoàng hôn bắt đầu phủ một màn đen khắp cánh rừng đại ngàn thì có một đội binh thứ hai cũng khua gươm giáo luyện tập. Tiếng hò reo, binh khí chạm nhau vang tới doanh trại của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nhiều đêm như vậy, bà liền bí mật đến nơi phát ra tiếng binh khí chạm nhau kia để xem xét và nhìn thấy trong bóng đêm mờ mờ, hàng hàng đội ngũ binh sĩ tiến lui nhịp nhàng theo tiếng trống trận, đến canh ba là chấm dứt, đội quân kia cũng biến mất.

 

Bà lấy làm lạ, sai các phó tướng theo dõi nhiều đêm liền. Đến một đêm kia, đang mơ màng trong trướng, bỗng thấy có một người mặc chiến bào. Quỳ xuống trước trướng cúi lạy, thưa rằng: “chúng tôi là những chiến binh trước đây đã từng theo các ông Lương Văn Chánh, Văn Phong mở đất, nay thấy việc khởi binh của đại vương Tây Sơn là hợp ý trời, lòng dân nên thiên đình sai chúng tôi theo phò tá nghĩa quân Tây Sơn, dẹp giặc lộng hành Trương Phúc Loan và chúa Trịnh…” Giật mình thức dậy, bà không thấy viên tướng kia đâu nữa. Sáng bà đem chuyện thưa với tướng quân Vũ Văn Nhậm. Cả hai liền mang câu chuyện huyền bí kia tâu lên ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Thấy đây là điềm báo ứng tốt đẹp, Nguyễn Nhạc bèn sai xây một ngôi miếu trên bãi Gò Cà gọi là Miếu Phò Giá  Đại Vương để thờ vong linh các nghĩa binh, phù trợ cho cuộc khởi binh thắng lợi.

 

Trong các trận đánh lớn nhỏ, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, đội hùng binh này luôn đi tiên phong và giúp nhà Tây Sơn phá tan giặc nhà Thanh, thu hồi giang sơn về một mối.      

     

Phía bên dưới ngôi miếu Phò Giá Đại Vương có một vực rất sâu mà dân trong vùng gọi là vực Linh Thiêng. Hàng năm cứ vào ngày mùng 9 Tết thì dân làng đến cúng tế thần linh gọi là lễ cúng khai sơn. Lễ cúng thường là các chim thú săn được quanh vùng núi này. Người dân lập đàn, bày hương án và các lễ vật vái vong linh các tử sĩ trên ngôi miếu Phò Giá Đại Vương, bà Hậu Thổ, Thổ Địa, cùng các vị chư thần phù hộ cho mùa săn bắt hái lượm gieo hạt mới trong năm, sau đó thì tất cả chim thú dùng tế lễ đều được phóng sanh. Suốt cả ngày mùng 9, tất cả dân đinh quanh vùng đều phải trai tịnh. Và đến giờ hoàng đạo ngày hôm sau mới có thể vào núi khai khẩn, sản xuất. Có nhiều người vì mưu sinh vì miếng ăn cho gia đình, không thể chờ lâu hơn, nên vào núi trước ngày mùng 9 Tết đều bị rơi xuống vực mà không thấy trở về.

 

Đối với địa danh Cù Mông, ngày nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian nhiều câu hò vè nói về sự nguy hiểm, gian nan khi phải vượt đèo này. Đó là một ngọn đèo nhiêu khê, cao ngất và hiểm trở nhất vào thời bấy giờ. Một trong những câu như vậy đã phản ánh khá rõ nét về những sinh hoạt của người thôn dân giữa hai bên đèo, là lời than oán của các chinh phụ trong thời kỳ mở đất, tranh chấp quyền lực giữa chúa Nguyễn với chúa Trịnh, hoặc giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

 

            Tiếng ai than khóc nỉ non

            Như vợ chú lính trèo hòn Cù Mông

               Công tôi mang quảy gánh gồng

               Bước vội theo chồng bảy bị còn ba.

 

Một câu ca dao khác, nội dung như trên nhưng hai câu sau thay đổi chi tiết:

 

            Tiếng ai than khóc nỉ non

            Như đoàn lính thú trèo hòn Cù Mông

            Xa xa thiếp đứng thiếp trông

            Thấy đoàn lính thú hỏi chồng thiếp đâu?

 

Căn cứ vào nội dung các câu ca dao trên, chúng ta có thể suy luận ra, ngoài công việc vận lương trong quân cơ cho binh sĩ khi chiến đấu còn có một hình thức vận lương khác, đó là khi đã bình định xong phần đất phía nam, có lẽ Lương Văn Chánh và những người kế tục sau này đều chia các binh đội thành những toán quân nhỏ để canh giữ những nơi xung yếu, vì vậy “vợ những chú lính” trấn thủ đó phải tiếp tế thêm lương thực cho chồng, nên tự tổ chức thành từng toán trèo hòn Cù Mông vào phía nam thăm chồng. Núi cao, đèo dốc, vực sâu khiến những bước chân yếu mềm của người phụ nữ càng gặp khó khăn gấp bội. Và đó là nguyên nhân của những tiếng khóc “nỉ non”?

Theo Đào Minh Hiệp – Đoàn Việt Hùng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tiếng khóc trên đèo Cù Mông
Thứ Sáu, 02/02/2007 19:17 CH
Truyền thuyết về những ngọn núi
Thứ Hai, 29/01/2007 08:17 SA
Ngó lên hang Hổ
Thứ Hai, 22/01/2007 07:30 SA
Núi Đá Chồng
Thứ Hai, 15/01/2007 07:35 SA
Vịnh Xuân Đài
Thứ Năm, 11/01/2007 14:50 CH
Đồng Cọ năm xưa, Hòa Thịnh ngày nay
Thứ Ba, 09/01/2007 14:52 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek