Thứ Bảy, 12/10/2024 16:22 CH
Chiếc bánh nậm của Nữ Nhi Phù Quốc ở đầm Cù Mông
Chủ Nhật, 11/02/2007 16:24 CH

Theo Địa Chí Phú Yên (NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 2003) thì đầm Cù Mông nằm ở phía Nam núi Cù Mông, tục gọi là vũng Mồi, diện tích toàn đầm là 15.000ha.

070211-dam-cu-mong.jpg

Đầm Cù Mông - Ảnh: Đào Minh Hiệp

Còn theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, đầm Cù Mông ở phía Bắc huyện Sông Cầu, là địa phận thuộc ba thôn Tuỳ Luật, Hội Phú và Vĩnh Cửu, mặt đầm rộng trên 2.000ha. Trong đầm Cù Mông có hòn Nần là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 1 mẫu tây, toàn đá lô nhô, không có cây cối rậm rạp như những đảo khác mà chúng ta thường hay thấy. Gọi là đảo, nhưng kỳ thực đó là một tảng đá gốc nằm xoải dài theo hướng Bắc-Nam, chỗ rộng nhất khoảng 15 mét. Trên giữa hòn Nần có một miếu thờ nhỏ, bên cạnh có cây da nhỏ còi cọc, tồn tại được là nhờ ít nước mưa hàng năm và sương đêm. 

Năm Kỉ Mùi (1799), Nguyễn Ánh cho sửa sang đường sá từ đỉnh Cù Mông trở vào nhằm giảm bớt độ dốc, thông quang giúp cho việc qua lại, vận chuyển hàng hoá lương thực được dễ dàng hơn. Sau khi lên ngôi 1802, vua Gia Long cho đặt các trạm dịch trên đỉnh Cù Mông giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên có tên là trạm Bình Phú. Cuối năm này, Gia Long cho xây dựng miếu Biểu Trung ở hòn Nần trong đầm Cù Mông thuộc thôn Vĩnh Cửu tổng Xuân Bình để thờ phụng Thiếu Quận Công Mai Đức Nghị và 515 tử sĩ (kể cả Thiếu Quận Công là 516) trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Ban đầu miếu có tên là Cù Mông Công Thần Miếu, nhưng đến năm Tân Hợi (1851) vua Tự Đức lại đổi tên là Miếu Biểu Trung, hàng năm đều cúng tế hai lần vào mùa xuân và mùa thu rất linh đình. Nhưng từ đời Thành Thái trở đi mỗi năm chỉ cúng tế một lần vào dịp xuân kỳ. Từ năm 1933 trở về sau, do chiến tranh ngày mỗi ác liệt hơn, nên việc cúng tế tổ chức năm có năm không rồi mất hẳn.

Trước đó từ thời Gia Long, việc cúng tế ngoài các lễ vật là heo sống, gà cùng các loại ngũ cốc, có một loại bánh không thể thiếu, đó là bánh nậm.

Bánh nậm được làm từ bột gạo xay nhuyễn, “đăng” khô rồi bỏ vào xoong, nồi xáo cho dẻo lại. Sau đó dùng đũa hay muỗn xúc từng muỗng nhỏ trài lên miếng lá chuối tươi có kích thước 6x12cm, bên trên thêm nhân là đậu xanh, thịt băm hay tôm gói lại, đặt vào chõ hấp chín.

Tương truyền khi quân Nguyễn Ánh bị anh em nhà Tây Sơn đánh tháo chạy ẩn nấp trên hòn Khô (thuộc dãy Cù Mông) sau đó tìm đường xuống chân đèo tìm cách vượt qua đầm Cù Mông để xuôi về phương Nam. Trong khoảng thời gian này, việc tiếp ứng quân lương hoàn toàn bị bế tắc, tất cả quân sĩ đều phải đào rễ củ trên rừng để sống qua ngày. Đến khi lần xuống được khu vực Xuân Lộc thì tìm thấy một số cư dân sinh sống từ lâu ở đó. Do đời sống kinh tế khó khăn, lúa thóc hiếm, nên người dân phải xay gạo thành bột rồi gói bánh cho quân sĩ  Nguyễn Ánh tạm sống qua ngày.

Cái ăn thiếu thốn đã đành, nhưng tinh thần chưa kịp hồi phục, thì đại quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của Trần Quang Dũng và Bùi thị Xuân lại kéo đến vây đánh. Trận huyết chiến đã xảy ra tại đây với hàng ngàn binh sĩ của hai bên ngã xuống, tàn quân Nguyễn Ánh chống đỡ không nổi phải tìm đường tháo chạy, nhưng mọi ngả đều bị vây chặt. Cuối cùng, nhờ đêm tối và được sự trợ giúp của dân địa phương đưa toán bại binh của Nguyễn Ánh xuống bến đò Tuỳ Luật, dùng sõng nan đưa từng toán quân ra hòn Nần trú ẩn, rồi tìm đường vào phương nam.

Chuyện kể, bà Phạm thị là một phụ nữ có đầy đủ các đức tính tốt của người phụ nữ Việt Nam; chăm chỉ làm ăn và nuôi chồng con. Khi quân Nguyễn Ánh chạy vào trú nạn, trong số ấy có một người tướng mạo phương phi, tư chất khác thường, nên trong số bánh nậm bà cùng dân địa phương mang đến, có những chiếc bánh do bà làm ngon hơn, khéo hơn để dâng riêng cho Nguyễn Ánh. Khi nhận được những chiếc bánh trong đêm tối, giữa một khung cảnh âm u, khói, thuốc súng và tiếng kêu rên của binh sĩ bị thương nổi lên, Nguyễn Ánh ngửa mặt nhìn trời đêm và kêu lên rằng: “Trời vẫn chưa hại ta. Con dân vẫn còn thương ta. Ta nguyện thâu tóm giang sơn về một cõi…” rồi mở bánh ra vừa ăn nước mắt vừa chảy ròng ròng.

Lần cuối cùng Phạm thị mang bánh ra dâng, cũng là lúc bại binh Nguyễn Ánh chuẩn bị bôn tẩu. Trong bóng tối nhá nhem, Phạm thị dâng bánh và nói: “Các ngài ăn uống cho no và liệu bề tìm đường mà lánh. Quân Tây Sơn đã lần ra manh mối chỗ trú ngụ của các ngài”.

Nguyễn Ánh hỏi: “Nhà ngươi là ai? Sao không tâu báo với quân Tây Sơn mà lĩnh thưởng?”.

Phạm thị nói: “Thấy người cùng đường mà không giúp là kẻ không có lòng nhân; lại bắt nộp để nhận vàng bạc châu báu là người bất lương. Tôi tuy phận đàn bà nhưng cũng biết chút ít đạo lý thánh hiền, xin ngài chớ nói vậy”.

Nguyễn Ánh gạt nước mắt: “Ta thâu tóm được giang san, sẽ nguyện báo đáp ơn này”.

Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh cho người đến bến đò Tuỳ Luật, tìm bà Phạm thị để báo đáp ân xưa. Các bậc cao niên trong vùng kể lại theo lời kể của cha ông thuở trước rằng, bà Phạm Thị được vua Gia Long ban tặng trướng gấm với 4 chữ Nữ Nhi Phù Quốc (?) và tặng cho bộ chén dĩa bằng ngọc, đũa ngọc cùng bộ ấm trà, lụa là cùng nhiều vàng bạc… để trả ơn cứu tử ngày xưa.

Theo ông Nguyễn Đích, nguyên là cán bộ văn hoá của tỉnh Phú Khánh trước kia, sau là Phó Chủ Tịch UBND huyện Sông Cầu thì các món gia bảo này được gia đình bà Phạm thị giữ gìn từ sau khi Gia Long lên ngôi ban tặng cho đến ngày toàn quốc kháng chiến thì bị thất lạc do phải chạy giặc, chôn giấu nhiều lần.

Ngày nay nghe lại câu chuyện kể này như nghe một giai đoạn lịch sử bi hùng của đất nước thời phong kiến.

(Theo lời kể của ông Nguyễn Đích, nguyên Phó chủ tich UBND huyện Sông Cầu và người dân ở các xã Xuân Hải, Xuân Lộc)

Theo Đào Minh Hiệp - Đoàn Việt Hùng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Huyền thoại về tên đèo Cù Mông
Thứ Tư, 07/02/2007 09:00 SA
Truyền thuyết gò Cà và vực Linh Thiêng
Thứ Hai, 05/02/2007 10:33 SA
Tiếng khóc trên đèo Cù Mông
Thứ Sáu, 02/02/2007 19:17 CH
Truyền thuyết về những ngọn núi
Thứ Hai, 29/01/2007 08:17 SA
Ngó lên hang Hổ
Thứ Hai, 22/01/2007 07:30 SA
Núi Đá Chồng
Thứ Hai, 15/01/2007 07:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek