Chủ Nhật, 06/10/2024 11:23 SA
Nắng nóng, bệnh nhi tăng đột biến
Thứ Hai, 27/05/2013 07:35 SA

Thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày đầu mùa hè thường khiến thức ăn và thực phẩm dễ bị hư hỏng. Đây là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi sinh vật phát triển và gây bệnh đường ruột, trong đó thường gặp nhất là tiêu chảy. Các bệnh khác cũng xuất hiện nhiều ở trẻ em, khiến các bệnh viện và phòng khám nhi luôn quá tải.

 

phat130527.jpg

Bác sĩ khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Sản - Nhi - Ảnh: T.THỦY

Bác sĩ Trần Quốc Sửu, Phó trưởng Khoa Nội - Nhi - Nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, cho biết: Trẻ em mắc bệnh tay chân miệng vừa ngơi, thì số bệnh nhi nhập viện nhiều tại đây chủ yếu là do viêm đường hô hấp trên và tiêu chảy, phát ban ngoài da. Thời tiết như hiện nay là môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển làm thức ăn dễ ôi thiu, trẻ rất dễ bị ngộ độc, tiêu chảy cấp khi ăn phải những loại thức ăn này. Hơn nữa, những ngày nắng nóng cũng làm cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động yếu đi, ít hấp thu cũng như ít bài tiết khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, mệt mỏi. Đối với trẻ bị hen phế quản, khi thời tiết thay đổi thường khiến trẻ lên cơn hen cấp tính.

 

Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều có số lượng trẻ em nằm viện cao hơn nhiều so với những tháng đầu năm. Nhiều bệnh nhân nhi ở các huyện lân cận TP Tuy Hòa như Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa được điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi. Bác sĩ Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên cho biết: Chỉ tiêu bệnh viện là 200 giường nhưng thực tế là 350 giường. Những ngày qua, số bệnh nhân nhi nằm viện cao điểm đến 150 trẻ (100 giường chỉ tiêu). Sự quá tải này gây khó khăn về nhân lực. Các bác sĩ phải thay phiên trực hỗ trợ. Bác sĩ Đặng Văn Phát, Trưởng khoa Nhi sơ sinh - hồi sức sơ sinh phải tham gia trực ở khoa Hồi sức cấp cứu. Ông Phát cho biết: “Nhiều trường hợp cấp cứu rất nặng. Trong đó có những trường hợp do sự chủ quan của cha mẹ nên để bệnh của bé tiến triển nặng, nhất là bệnh sốt xuất huyết, viêm phổi cấp”.

 

Tại khoa Nội nhi tổng hợp Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, những ngày cao điểm trẻ nằm viện từ 90 đến 100 trường hợp. Bác sĩ điều trị Phan Thị Bích Vân cho biết: Tập trung tại khoa này nhiều loại bệnh, từ bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đến các bệnh mùa hè trẻ mắc phải. Bệnh nhân vào khoa đông nhất là vào những ngày đầu tuần.

 

Chăm con đang điều trị tại khoa Nội nhi tổng hợp, chị Thiều Thị Thu Sương ở xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) nóng rột: “con tôi bị sốt và nổi ban đầy da. Tại đây có rất nhiều bé bệnh truyền nhiễm nên tôi lo sợ có sự lây lan bệnh với nhau”. Còn chị Nguyễn Hoài Thu ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) giãi bày: “Tôi thấy bệnh của con tôi diễn biến khác thường nên rất lo. Ở nhà thấy bé bị ho, tôi tự mua thuốc cho bé uống. Bé bị sặc phổi nên nhập viện. Đến viện, các bác sĩ cho uống thuốc thì bé lại bị tiêu chảy suốt mấy ngày nay”. Đặc biệt, chị Võ Thị Luyến ở xã Hòa Phong (Tây Hòa) thì chăm cùng lúc hai con nằm viện. Chị Luyến bảo, đứa lớn 6 tuổi bị sốt, ho, còn đưa nhỏ gần 2 tuổi bị tiêu chảy. Vậy là để yên tâm, chị không đi khám tư mà đưa hẳn hai con vào viện.

 

Không chỉ ở bệnh viện, tại các phòng khám tư chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cha mẹ đưa trẻ ngồi chờ khám. Chị Lê Thị Hồng (phường 4, TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Vì điều kiện làm ăn của gia đình nên mỗi khi con bị bệnh, tôi hay đưa con tới bác sĩ tư để khám và tư vấn rồi về nhà cho uống thuốc theo lời bác sĩ dặn. Chỉ trong trường hợp con bệnh quá nặng, tôi mới đưa con đi viện”.

 

Theo bác sĩ Phạm Văn Minh, tiêu chảy luôn là bệnh có số người mắc và tử vong cao. Vì vậy, phòng chống tiêu chảy là việc rất cần thiết, nhất là với trẻ em. Các bậc cha mẹ cần lưu ý đưa con đi khám sớm, tránh việc tự điều trị để bệnh nặng hơn sẽ không tốt với trẻ. Cũng theo bác sĩ Minh, với điều kiện thời tiết thay đổi, để phòng bệnh cho con cha mẹ nên chú ý tới việc mặc đồ cho con sao cho hợp thời tiết, không để trẻ nóng quá hay lạnh quá, tránh để trẻ bị lạnh đột ngột. Bên cạnh đó, cha mẹ nên vệ sinh mũi, họng, chân tay cho con để tránh mắc bệnh đường hô hấp. Về dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn đồ tươi, tránh đồ ôi thiu, lạnh để trẻ tránh được bệnh đường tiêu hóa; cha mẹ không nên cho trẻ tới những nơi đông người để tránh bị lây nhiễm bệnh.

 

VŨ HOÀNG

Những lưu ý trong ăn uống ngày hè

Bảo đảm vệ sinh khi chế biến thức ăn để tránh nhiễm khuẩn vào thức ăn đã được nấu chín. Cần thực hiện đầy đủ việc rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến và cho bé ăn. Thức ăn cần nấu chín kỹ và cho bé ăn ngay sau khi nấu. Đồng thời, thức ăn sau chế biến chưa cho trẻ ăn ngay thì cần để nơi thoáng mát, đậy kín để tránh ruồi muỗi. Khi thức ăn đã nguội thì cất trong tủ lạnh.

 

Mùa hè nóng nực mọi người đều thích uống nước đá, đặc biệt là trẻ em. Để tránh cho trẻ không bị viêm họng, không nên cho trẻ uống nước lạnh, nước đá, hay thức ăn lạnh. Sữa chua lấy từ trong tủ lạnh ra cần để bớt lạnh mới cho trẻ ăn.

 

(SKĐS)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trẻ nhập viện tăng cao
Thứ Bảy, 25/05/2013 08:09 SA
Mùa nóng năm nay và cách chăm sóc trẻ
Thứ Năm, 23/05/2013 09:00 SA
Chăm sóc da mùa nắng nóng
Thứ Năm, 23/05/2013 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek