Thứ Năm, 28/11/2024 05:34 SA
Phòng ngừa lao kháng thuốc
Thứ Hai, 11/03/2013 08:23 SA

Vi khuẩn lao kháng thuốc đang là nỗi lo của mọi người. Sự phát minh ra các thuốc chữa lao vào những thập kỷ 40-60 của thế kỷ XX được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của y học đối với công cuộc thanh toán và khống chế bệnh lao. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi thuốc chữa lao đầu tiên là Streptomycine ra đời thì người ta đã thấy hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn lao.

Năm 1993, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tới các chính phủ về sự “quay trở lại” của bệnh lao. Một trong những điều tồi tệ đó là gia tăng tình trạng kháng thuốc. Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng nửa triệu ca MDR-TB (lao đa kháng thuốc).

Hiện nay, tỉ lệ nhiễm lao đa chỉ đứng sau Thái Lan 36,6%, Latsvia 34%, Cộng hòa Dominica 40,6%. Nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng có thể trầm trọng hơn cả nhiễm HIV/AIDS.

Phú Yên chưa có một nghiên cứu nào về lao kháng thuốc trong cộng đồng với nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan. Nhưng qua theo dõi quá trình điều trị tại Khoa Lao (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), chúng tôi nhận thấy trong những năm gần đây bệnh nhân lao kháng thuốc nhập viện ngày càng tăng.

Lao kháng thuốc là một trường hợp lao, thường là lao phổi, có vi khuẩn lao (VKL) kháng với một hay nhiều thuốc kháng lao được phát hiện. Nếu bệnh nhân đã điều trị kháng lao, sau đó mới tìm thấy VKL kháng thuốc gọi là “kháng mắc phải” sau điều trị. Nếu bệnh nhân trước đó chưa điều trị kháng lao bao giờ, mà tìm có VKL kháng thuốc gọi là kháng tiên phát (chắc chắn là bệnh nhân chưa điều trị thuốc lao trước đó). Nếu nghi ngờ bệnh nhân trước đó có thể đã dùng thuốc kháng lao thì gọi là “kháng ban đầu”. Kháng thuốc ban đầu gồm kháng tiên phát và kháng mắc phải nhưng không xác nhận được.

Lao đa kháng thuốc là lao đề kháng ít nhất hai trong số những thuốc tốt nhất chống lao, (INH và rifampicin). Những thuốc này được xem là thuốc tuyến đầu và dùng cho tất cả bệnh nhân điều trị lao. Lao kháng thuốc cực mạnh là lao đề kháng với INH, rifampicin và với bất cứ thuốc fluoroquinolone nào. Lao kháng thuốc cực mạnh là lo ngại đặc biệt cho bệnh nhân nhiễm HIV và những bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch như đái tháo đường. Những người này dễ mắc lao hơn và nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Lao đa kháng thuốc do con người (thầy thuốc hoặc bệnh nhân) đã có các sai sót khi chỉ định phác đồ điều trị không đầy đủ thuốc kháng lao cần thiết; do tổ chức quản lý điều trị lao không chu đáo, không kiểm soát và do khâu cung cấp thuốc lao không đạt chất lượng, số lượng và liên tục, và do bệnh nhân dùng thuốc không liên tục, không đủ số thuốc đã được cung cấp.

Do trình độ dân trí còn thấp, bên cạnh đó các phong tục tập quán lạc hậu cộng với tệ nạn mê tín dị đoan, vẫn còn những quan điểm sai lệch về bệnh lao (di truyền, không chữa được..) đã làm cho bệnh lao ngày càng trầm trọng. Ngoài ra cũng còn không ít trường hợp người bệnh bỏ trị do điều kiện kinh tế khó khăn, cộng với sự phiền phức của việc tổ chức quản lý bệnh nhân ngoại trú, người bệnh đi xa, các thủ tục giấy tờ… cũng làm cho người bệnh bỏ trị.

Có thể đề phòng vi khuẩn kháng thuốc bằng các biện pháp sau: Phát hiện và chẩn đoán bệnh lao sớm; phát hiện bệnh lao kết hợp với HIV/AIDS; ứng dụng phát đồ chuẩn của WHO để chữa lao và thực hiện hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát (Directly Observed Treatment Short course = DOTS); kiểm tra hàm lượng của thuốc chữa lao, quản lý tốt thuốc chữa lao; cần có những biện pháp thích hợp có hiệu quả để quản lý tốt bệnh nhân lao.

Khi đã phát hiện và chẩn đoán được người bệnh lao, thì việc theo dõi và điều trị, kể cả sau khi chữa khỏi bệnh là điều cần thiết. Thời gian chữa bệnh lao kéo dài hơn các bệnh lý nhiễm trùng khác nên đòi hỏi chương trình chống lao quốc gia cần có những biện pháp chặt chẽ.

BS CKI DƯƠNG BÌNH PHÚ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek