Đề án 1816 của Bộ Y tế với chủ trương tăng cường thầy thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới đã được các địa phương triển khai. Việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên đã góp phần nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh cho Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên bởi những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được triển khai tại đơn vị.
Bác sĩ Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao phương pháp cấy chỉ cho bác sĩ Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
Nhận thức công tác triển khai Đề án 1816 là giải pháp thiết thực và quan trọng, là cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ, hơn 4 năm qua dưới sự giúp đỡ, chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật như: Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh về quy trình kỹ thuật PHCN sớm; Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội về kỹ thuật điều trị co cứng bằng phong bế thần kinh bịt, thần kinh chày với Phenol 5% và Botulinum toxin; Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Trung ương thực hiện khảo sát, xây dựng kế hoạch để hỗ trợ đơn vị triển khai phẫu thuật chỉnh hình trong thời gian tới; Bệnh viện Châm cứu Trung ương hỗ trợ về kỹ thuật chôn chỉ và trường châm…
Tiếp nhận việc chuyển giao kỹ thuật với phương thức trực tiếp cầm tay chỉ việc, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện độc lập các kỹ thuật được chuyển giao ngay và tiếp tục duy trì, áp dụng điều trị phục vụ người bệnh.
Nhờ sự hỗ trợ của tuyến trên qua Đề án 1816, kỹ thuật của bệnh viện có bước phát triển mới, đáp ứng được nhu cầu điều trị và PHCN ngày càng cao của người bệnh. Qua đó, trình độ chuyên môn và tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên rõ rệt; chất lượng khám chữa bệnh và PHCN được nâng cao thể hiện ở tỉ lệ khỏi và chức năng có cải thiện phục hồi sau điều trị đạt trên 97%. Người bệnh được PHCN sớm ngay vào ngày thứ 2 khi vào viện; thực hiện PHCN sớm đối với bệnh nhân bị liệt các thể lâm sàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không bỏ qua “thời gian vàng” của PHCN có liên quan rất lớn đến kết quả PHCN sau này cho người bệnh. Nhờ kết quả phục hồi cao, thời gian điều trị cho bệnh nhân được rút ngắn, từ 26 ngày điều trị (kết quả của 3 năm trước) xuống còn 20 ngày vào năm 2012. Bệnh nhân bị gồng cứng cơ do tổn thương tủy sống, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não được kiểm soát tại bệnh viện. Đa số các trường hợp liệt do tổn thương về tủy sống, tổn thương não và tai biến mạch máu não nặng sau khi phẫu thuật ở các bệnh viện tuyến Trung ương tại TP Hồ Chí Minh được giới thiệu chuyển về PHCN tại Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên.
Ngoài công tác tiếp nhận đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, những năm qua Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh cũng đã cố gắng thực hiện Đề án 1816 hỗ trợ cho tuyến dưới theo sự phân công và chỉ đạo của Sở Y tế. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong 3 năm qua, bệnh viện đã hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật Vật lý trị liệu - PHCN cho 4 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, với 8 cán bộ được đào tạo và 20 kỹ thuật được chuyển giao. Qua đó, các cán bộ được đào tạo ở các bệnh viện đều thực hiện tốt các kỹ thuật để phục vụ bệnh nhân tại địa phương.
Kết quả thực hiện Đề án 1816 bước đầu còn ở mức khiêm tốn, nhưng lợi ích mang lại cho bệnh viện là rất lớn và có ý nghĩa quan trọng. Chính sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của đội ngũ y, bác sĩ từ tuyến trung ương đến cơ sở và các cơ quan quản lý đã góp phần vào sự phát triển của bệnh viện. Tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa Đề án 1816 trong tương lai là điều thật sự cần thiết khi đơn vị được xây dựng Bệnh viện vệ tinh theo chủ trương của Bộ Y tế, giúp người bệnh được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao; góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
BS CKI DƯƠNG TẤN THỊNH
GĐ Bệnh viện Điều dưỡng-PHCN Phú Yên