Trong một thời gian dài, mô hình phòng chống bệnh tật ở Việt Nam chú trọng nhiều đến hoạt động điều trị, còn lĩnh vực dự phòng vẫn chưa đáp ứng kịp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong quá trình phát triển của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.
Cán bộ dự phòng phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh: T.THỦY
Ngay trong đội ngũ cán bộ y tế, những người làm ở hệ điều trị thường “có giá” hơn so với những cán bộ y tế công tác trong hệ dự phòng. Cán bộ y tế trong hệ điều trị có điều kiện để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và thu nhập thực tế cũng cao hơn rất nhiều so với cán bộ y tế dự phòng. Công bằng mà nói, đã học ngành y ai chẳng muốn có điều kiện để học tập nâng cao trình độ, rèn luyện tay nghề và cải thiện kinh tế gia đình… Những bất cập đó ít nhiều tác động đến tâm lý của những sinh viên y khoa, hay các y sinh sau khi tốt nghiệp ở các trường y về chọn nơi công tác.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một danh y của Việt Nam (1720-1791) đã để lại cho hậu thế những kiến thức y học phương đông và thuật trị bệnh cứu người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông đã biên soạn nhiều tài liệu y học và luôn đề cập đến người thầy thuốc phải giỏi cả y lý, tốt về y đức, thành thạo về y thuật.
Trong lĩnh vực dự phòng, người cán bộ y tế giỏi y lý, tốt y đức, thành thạo y thuật được thể hiện như thế nào, hiệu quả ra sao trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân? Đây không chỉ là câu hỏi dành riêng cho người dân mà ngay cả người cán bộ làm công tác dự phòng cũng còn những “góc khuất” muốn giãi bày.
Lý luận về bệnh tật dù cổ hay kim đều thống nhất rằng, dịch bệnh xảy ra khi cơ thể không thắng được tác nhân gây bệnh. Tác nhân gây bệnh luôn có sẵn trong môi trường sống của con người. Đó là vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, các yếu tố vật lý hay hóa học… có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp, đường máu hay qua da. Như vậy, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả phải có một môi trường trong sạch, không có tác nhân gây bệnh hoặc có thể chống đỡ tốt trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh (sức đề kháng) hoặc không cho tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể (cắt đứt nguồn lây). Hiểu được cơ chế bệnh sinh của dịch bệnh, chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống. Hoạt động dự phòng có thể hiểu nôm na là không để dịch bệnh xảy ra (dự phòng cấp 1); hạn chế sự lây lan hay nặng thêm của dịch bệnh (dự phòng cấp 2) và phục hồi lại sức lao động cho người bệnh cũng như hồi phục lại môi trường sạch sẽ hơn (dự phòng cấp 3).
Hiện nay, tình hình bệnh tật ở nước ta đã có sự biến đổi đáng kể, đời sống kinh tế của người dân tăng lên dẫn đến thay đổi tỉ lệ bệnh cũng như chủng loại bệnh. Các bệnh do rối loạn chuyển hóa, bệnh lý do stress, các bệnh không lây nhiễm đang có chiều hướng tăng lên. Hơn nữa, trong thời kỳ hội nhập, một số bệnh có nguồn gốc từ nước ngoài cũng đã xuất hiện ở Việt Nam. Vì vậy, vai trò của y tế dự phòng ngày càng quan trọng trong hoạt động y tế. Trong xu thế phát triển chung của ngành y cả nước, y tế dự phòng cũng cần phát triển mạnh ở tất cả các hoạt động từ dự báo, giám sát, khoanh vùng, xử lý, nghiên cứu vắc-xin, huyết thanh phòng chống một số dịch bệnh mới; đặc biệt nghiên cứu để dự báo những bệnh dịch mới có khả năng xảy ra để từ đó có biện pháp dự phòng hiệu quả.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác dự phòng trong giai đoạn mới, cán bộ y tế phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu dịch tễ; có kiến thức sâu rộng về y học, đặc biệt là y học dự phòng; có kiến thức về côn trùng học, môi trường; thường xuyên nghiên cứu khoa học để rút kinh nghiệm trong thực tế… từ đó dự báo dịch được chính xác hơn. Đáp ứng được những yêu cầu này tức là đã giỏi về y lý.
Bên cạnh đó, cán bộ y tế dự phòng phải đi sát cộng đồng, cùng triển khai các biện pháp phòng bệnh cho người dân. Để người dân tin theo và thực hiện theo hướng dẫn của mình, người cán bộ y tế phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân. Đây chính là y đức của người cán bộ y tế dự phòng.
Trong triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, cán bộ y tế phải biết vận dụng có hiệu quả phòng dịch cũng như chống dịch, nên chú trọng các biện pháp phòng bệnh là chính, để không cho dịch bệnh xảy ra. Khi dịch bệnh xảy ra thì lực lượng này nhanh chóng triển khai khoanh vùng dịch tễ, khống chế và dập tắt dịch càng sớm càng tốt. Song song với các hoạt động phòng chống dịch, cán bộ y tế cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Làm tốt các hoạt động này chính là thành thạo y thuật.
Nếu mỗi cán bộ y tế dự phòng thực hiện tốt những yêu cầu trên cùng với sự quan tâm hơn nữa cửa Đảng và Nhà nước đối với cán bộ y tế nói chung, những người làm y tế dự phòng nói riêng thì chắc chắn chúng ta sẽ phòng chống dịch bệnh một cách có hiệu quả hơn, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”.
BS NGUYễN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên