Hỏi: Ở quê khi bị bỏng lửa hoặc bỏng nước sôi, người ta thường bảo bôi ngay nước mắm vào để da đét lại, mau hết. Có đúng vậy không. Tại sao khi sờ vật gì bị nóng tay, ta đưa tay vào nắm dái tai thì thấy dễ chịu?
LƯU THÁI THỦ
(xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa)
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời: Dái tai ít máu lưu thông, lại được không khí quạt mát thường xuyên, nên nhiệt độ ở đó thấp hơn và nó sẽ thu ngay nhiệt từ nơi tay đang bị nóng, do đó chúng ta cảm thấy dễ chịu. Sau khi bị bỏng, sức nóng tại chỗ còn lan rộng và đi sâu hơn, tiếp tục tác hại những phần xung quanh, làm cho tổn thương ban đầu nặng thêm rất nhiều. Vì vậy, điều quan trọng cần thực hiện ngay sau khi bị bỏng là làm lạnh vùng bị bỏng càng nhanh càng tốt trong vòng 15 phút đầu, nhằm hạn chế phạm vi và mức độ của tổn thương do bỏng.
Cụ thể là, không chậm trễ, cho ngay vùng bị bỏng vào nước lạnh, hoặc liên tiếp dội nước lạnh lên tổn thương bỏng trong 5 đến 10 phút (nếu dùng vòi nước thì để cách mặt da 10-15cm cho an toàn, và tránh không dội ướt các vùng khác làm cho nạn nhân dễ bị cảm). Nước lạnh sẽ thu ngay số nhiệt hiện hữu trong tổn thương, ngăn không cho nó lan rộng ra để gây tác hại; làm cho nạn nhân dễ chịu, đỡ cảm giác rát buốt có thể gây choáng. Nhưng, như đã nói ở trên, việc làm lạnh chỗ bị bỏng chỉ có giá trị trong vòng 15 phút đầu; nếu để muộn hơn thì “sự đã rồi”, nghĩa là nhiệt đã hoàn thành việc gây hại của nó.
Việc bôi nước mắm vào vết bỏng vừa vô ích vừa có hại. Nước mắm sẽ làm cho vết bỏng về sau dễ nhiễm khuẩn, và nhất là làm cho tổn thương ban đầu nặng thêm do không được làm lạnh ngay. Tất nhiên động tác nói trên chỉ là một trong những động tác xử trí bỏng; ngay sau đó nạn nhân cần được bác sĩ khám và điều trị tại chỗ hoặc đưa đi bệnh viện tùy trường hợp.
Nếu chưa đến được cơ sở y tế, vết bỏng nhỏ có thể thực hiện những chăm sóc ban đầu như sau: Sau khi ngâm vết bỏng vào nước lạnh, nếu thấy có nốt phồng (bỏng độ 2), thì lột bỏ ngay hết chỗ bị phồng và thấm khô chất dịch bằng gạc vô trùng. Dùng nước muối đẳng trương (0,9%) dội nhẹ lên cho sạch, rồi dùng kẹp (pince) đã được diệt khuẩn lần lượt lột hết chỗ da bị phồng, càng triệt để càng tốt. Xong lấy gạc vô khuẩn, đem quệt Vaseline vào (những thứ này đều có bán ở các nhà thuốc) đặt lên chỗ bỏng và băng lại. Sở dĩ phải quệt Vaseline là để sau này thay băng gỡ ra khỏi đau. Nếu giữ nguyên các chỗ bỏng, sẽ dễ bị nhiễm khuẩn (do vi khuẩn thâm nhập vào chất dịch bỏng và phát triển); ngoài ra, lớp da bị bỏng nằm đó sẽ gây trở ngại cho việc liền sẹo. Nếu không có điều kiện thực hiện những chăm sóc vô khuẩn nói trên, tốt nhất nên được thực hiện tại các cơ sở y tế để hạn chế gây nhiễm khuẩn thêm cho vết bỏng. Nếu diện bỏng rộng, nhất là bỏng lửa, phải kịp thời đưa đến bệnh viện.
BS ĐOÀN VĂN HẢI