Thứ Năm, 10/10/2024 17:19 CH
Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 ở người
Thứ Năm, 04/01/2007 14:07 CH

Thời gian qua, nhờ tích cực huy động cả hệ thống chính trị nỗ lực phòng chống dịch cúm gia cầm nói chung, cúm gia cầm lây sang người nói riêng, Việt Nam đã thành công trong phòng chống dịch.

 

NGUY CƠ TÁI BÙNG PHÁT DỊCH RẤT LỚN

 

070104-vit.jpg

Đến nay Phú Yên vẫn là tỉnh có đàn gia cầm sạch bệnh – Ảnh: VĂN LỘC

 

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học trên thế giới cũng như trong nước thì nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm ở nước ta là rất lớn. Nguyên nhân là hiện vẫn còn thủy cầm (+) với virút cúm A/H5N1; công tác tiêm phòng cho gia cầm, thủy cầm chưa triệt để; chăn nuôi chủ yếu gắn với hộ gia đình và ở nhiều địa phương, bà con vẫn giữ tập quán chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh, để gia cầm sống gần với nơi ăn ở, sinh hoạt của gia đình; vận chuyển gia cầm, thủy cầm tự do không có phương tiện phòng hộ; việc giết mổ gia cầm, thủy cầm bằng phương pháp thủ công là chính; nhiều người dân thích ăn tiết canh, ăn tái… Mặt khác, Việt Nam lại nằm trên đường di cư của các loài chim hoang dã; đã có chùm ca bệnh, tỷ lệ (+) cao trong chùm ca bệnh. Nước ta có số người mắc cao nhất, số bệnh nhân tử vong đứng thứ nhì trong 10 nước có ca bệnh (đứng sau Indonesia). Hơn nữa mùa đông - xuân là mùa thuận lợi cho virút phát triển và phát tán. Dịch cúm gia cầm đã tái phát ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cho thấy nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát trên diện rộng là rất lớn. Nếu đại dịch xảy ra, dự kiến 10% dân số mắc bệnh và 1% dân số tử vong.

 

CẦN CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG

 

Trước những nguy cơ đó, chúng ta phải chủ động phòng chống dịch một cách quyết liệt. Trước mắt, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho người dân biết được sự nguy hiểm của dịch, hoạt động truyền thông phải tiến hành liên tục trên tất cả các phương tiện truyền thông; quản lý chặt chẽ việc lưu thông gia cầm, thủy cầm, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chấn chỉnh hoạt động buôn bán gia cầm, thủy cầm ở các chợ, tụ điểm dân cư; hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp phòng hộ cá nhân cũng như phát hiện gia cầm bệnh để báo cho cơ quan chức năng. Cơ quan thú y phối kết hợp với các ngành có liên quan tổ chức tiêm phòng đầy đủ, đúng kỹ thuật cho gia cầm, thủy cầm. Người chăn nuôi phải thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ bằng chăn nuôi tập trung, lấy giống ở những nơi đáng tin cậy. Bên cạnh đó, việc phòng chống cúm từ gia cầm lây sang người phải được thực hiện nghiêm túc, nhất là các địa phương từ trước tới nay chưa có người mắc bệnh. Ban phòng chống dịch phải được kiện toàn ở các cấp, nguồn lực dành cho phòng chống dịch phải được sử dụng có hiệu quả. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, nhân lực… đủ để đối phó, nếu có dịch xảy ra.

 

Vào năm 1918, đại dịch cúm A xảy ra đầu tiên ở Tây Ban Nha, sau đó lan rộng ra Châu Âu làm 40 - 50 triệu người tử vong mà nguyên nhân là do virút cúm A phân týp H1N1. Năm 1957 dịch cúm xảy ra ở châu Âu do virút cúm A phân týp H2N2 làm khoảng 1 triệu người tử vong. Năm 1968, dịch cúm ở Hồng Kông do virút A phân týp H3N2 làm gần 1 triệu người tử vong. Năm 1997, dịch cúm xảy ra ở gà lây sang người làm 18 người mắc, 6 người chết ở Hồng Kông. Và gần đây, kể từ năm 2003, đến 29/11/2006, dịch cúm gia cầm do virút H5N1 từ gia cầm lây sang người xảy ra ở 10 nước châu Á và châu Phi làm 258 người mắc và 154 người tử vong, trong đó: Azecbaijan 8/5 (mắc 8 tử vong 5), Campuchia 6/5, Trung Quốc 21/14, Djibouti (châu Phi) 1/0, Ai Cập 15/7, Thái Lan 25/17, Indonesia 74/57, Việt Nam 93/42.

 

Riêng ở Việt Nam, bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H5N1 được phát hiện vào ngày 14/12/2003 và đến ngày 14/11/2005, cả nước có 93 trường hợp mắc cúm A/H5N1; 32 tỉnh thành có bệnh nhân bị  nhiễm vi rút này.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek