Hơn hai tháng, kể từ khi PGS, TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương về hỗ trợ kỹ thuật châm cứu, cấy chỉ cho các cử nhân, bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên, đơn vị này đã triển khai thực hiện độc lập và có kết quả điều trị khả quan.
Thực hiện phương pháp cấy chỉ tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
BỆNH THUYÊN GIẢM
Sau khi được hướng dẫn, chuyển giao trực tiếp tại đơn vị, Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN đã triển khai thực hiện kỹ thuật châm cứu, cấy chỉ. Vì là phương pháp đơn giản nên nhiều bệnh nhân không ngần ngại khi cấy chỉ, đã phối hợp tốt trong điều trị. Có những người trước đây được PGS, TS Nghiêm Hữu Thành cấy chỉ, sau đó họ cũng đã đến Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng theo lời hẹn để tiếp tục được điều trị.
Ông Nguyễn Minh Tuấn (xã An Chấn, Tuy An) nói: “Năm ngoái, cha tôi bị tai biến. Ông được về nhà sau khi phục hồi chức năng ở Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh. Hôm rồi có người giới thiệu về phương pháp cấy chỉ ở đó, tôi đã đưa cha đến để cấy chỉ thay vì phải châm cứu hàng ngày”. Bà Lê Ngọc Quý (phường 2, TP Tuy Hòa), bộc bạch: “Tôi hay bị viêm mũi dị ứng theo thời tiết, đặc biệt là mùa lạnh. Tôi thấy chỉ hai lần được cấy chỉ, thời gian gần đây, mũi của tôi đã ổn”. Còn chị Lê Thị Nhung (phường 2, TP Tuy Hòa) kể: “Tôi bị đau lưng mấy năm nay, đi khám bệnh, bác sĩ bảo bị đau cột sống thắt lưng. Tôi cũng dùng nhiều loại thuốc đông, tây y và cũng nhiều lần đi châm cứu, nhưng bệnh có thuyên giảm rồi cũng trở lại. Nghe nói ở Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN có phương pháp cấy chỉ, tôi đã đến đó. Mỗi tháng tôi đi một lần, thấy có hiệu quả, ngồi làm việc lâu mà không đau như trước”.
Theo bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên, đã có hơn 300 người theo điều trị bằng phương pháp cấy chỉ. Phần lớn là những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, đau cột sống thắt lưng, hội chứng vai gáy, thần kinh tọa. Cử nhân Nguyễn Đức Hòa, người thực hiện chính việc cấy chỉ, cho biết, đa phần bệnh nhân đến đây là bệnh mãn tính. Tuy chỉ được thực hiện một lần, nhưng số bệnh nhân quay trở lại để cấy chỉ lần hai cho biết đã đỡ bệnh, đặc biệt là những trường hợp bị viêm mũi dị ứng, đau cột sống thắt lưng.
Cấy chỉ catgut (chỉ tự tiêu hay dùng trong phẫu thuật khi khâu các cơ quan ở bên trong cơ thể; sau đó phân hủy từ 3-4 tuần), chôn chỉ, vùi chỉ… là một phương pháp châm cứu hiện đại, là bước tiến của kỹ thuật châm cứu. Cấy chỉ được ứng dụng điều trị các bệnh hen phế quản, viêm loét dạ dày tá tràng, liệt dương, hội chứng thắt lưng hông, các chứng liệt vận động... Phương pháp cấy chỉ catgut bằng kim có nòng thông được coi là một yếu tố quan trọng góp phần làm cho cấy chỉ được phổ cập rộng rãi hơn. Kết quả điều trị và PHCN ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho thấy, tỉ lệ điều trị khỏi bệnh 20-25%; tỉ lệ đỡ bệnh 60-68%.
TIẾT KIỆM THỜI GIAN, KINH PHÍ
Theo cử nhân Nguyễn Đức Hòa, không chỉ có bệnh nhân mãn tính mà các bệnh nhân bị tai biến, xuất huyết não, liệt tủy… cũng đã đến điều trị ngoại trú. Sau khi PHCN ổn định, bệnh viện tiến hành cấy chỉ trước khi cho xuất viện để trở về gia đình tiếp tục duy trì kết quả điều trị. Đối với các bệnh nhân điều trị nội trú khi hàng ngày được điều trị nhiều phương pháp thì hiện nay ở phần châm cứu mỗi ngày được thay bằng cấy chỉ một lần/tháng, giúp họ bớt thời gian nằm điều trị mà tập trung vào nghỉ ngơi, thư giãn.
Cử nhân Hòa giải thích: Chỉ catgut nằm trong huyệt gây kích thích liên tục trong huyệt và gây ra tác dụng điều trị theo nguyên lý tác động lên kinh huyệt. Do bản chất của catgut là protein nên có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể. Cấy chỉ catgut với chi phí thấp, lại được thanh toán bảo hiểm y tế, có thể áp dụng cho nhiều loại mặt bệnh khác nhau, trong đó, điển hình là hen phế quản, viêm mũi dị ứng, bệnh dị ứng, những bệnh đau đầu mất ngủ, đau nhức xương khớp, đau dạ dày, viêm khớp, thoái hóa cột sống... Với những bệnh nhân bị liệt nửa người, đau dây thần kinh số 5, liệt dây thần kinh số 7… thì dùng phương pháp điều trị này cho kết quả rất khả quan.
Cấy chỉ có hiệu quả cao trong điều trị và PHCN. Do khoảng cách giữa 2 lần điều trị là 3-4 tuần, nên bệnh nhân đỡ phải đi lại và không phải nằm viện, có thể điều trị ngoại trú tại nhà hoặc tại cơ sở y tế, đặc biệt không có tai biến nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh trong cấy chỉ.
VŨ HOÀNG