Những ngày hè, dọc nhiều tuyến đường ở TP Tuy Hòa, các quán nước mọc lên như nấm. Mỗi ly nước ngọt, nước mía, nước dừa, trà đá, bia tươi… đều được người bán hàng bỏ vào đó vài viên đá để giúp khách hàng “hạ nhiệt”. Không ít hàng quán trong số này treo biển “nước mía siêu sạch”..., thế nhưng, ngay bản thân người bán hàng cũng không biết rõ loại đá lạnh mà họ đang sử dụng được sản xuất từ đâu và chất lượng ra sao.
Ảnh minh họa: Internet |
Chị Lê Thị Bảy, chủ quán nước sinh tố, giải khát trên đường Nguyễn Huệ cho biết trung bình mỗi ngày, quán chị sử dụng 3-6 thùng đá viên loại 10kg, những ngày nắng nóng hoặc dịp nghỉ lễ, cuối tuần, lượng khách tăng đột biến thì phải dùng tới 10 thùng mới đủ. “Thấy nhà sản xuất đá có đóng thùng hẳn hoi, giá cũng khá mềm (15.000 đồng/thùng) thì tôi đặt mua, chứ chất lượng thì không biết đâu mà lần”. Với những quán đông khách như quán chị Bảy, dùng đá viên đóng thùng đã là xịn, bởi nhiều quán khác chỉ sử dụng đá cây. Theo chị Nguyễn Thị Hằng, bán nước mía trên đường Điện Biên Phủ, một thùng đá viên có giá gấp đôi một cây đá, cho nên để có lãi chị mua đá cây về đập nhỏ, cho vào thùng xốp rồi dùng dần. “Tôi thường mua đá lẻ ở các hàng bán đá, đá có sạch hay không thì không thể quan sát bằng mắt thường”. Trong khi người bán gần như lơ mơ về nguồn gốc, chất lượng của đá lạnh thì khách hàng dùng nước giải khát tại các hàng quán này cũng đành “khuất mắt” mà cho qua. Bởi dù có muốn lựa chọn, họ cũng không có cách nào để phân biệt đá nào “sạch”, đá nào “không sạch”. Chị Nguyễn Thị Yến Nhi (phường 5, TP Tuy Hòa) cho biết: Sau một lần uống nước mía ở quán vỉa hè, tôi bị đau bụng dữ dội. Giờ thấy nước mía… tôi sợ.
Theo quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN 10:2011/BYT) đá lạnh dùng trong ăn uống phải được sản xuất từ nước đạt yêu cầu, nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01:2009/BYT, không bao gồm đá lạnh dùng để bảo quản thực phẩm và các mục đích khác; ngoài ra, nước đá dùng trong ăn uống phải được đóng trong bao bì kín và ghi nhãn theo quy định về nhãn mác hàng hóa.
HUY MINH