Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ bảo đảm ATTP luôn đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các định hướng, chính sách, giải pháp của Nhà nước phải phù hợp.
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Tuy Hòa làm test nhanh trên thực phẩm bán tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: T.THỦY
ATTP là vấn đề có tầm đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe mỗi con người. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng của xã hội. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát.
Tại Phú Yên, Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP các cấp đã được thành lập và củng cố. Công tác thông tin giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP. Những hoạt động truyền thông thời gian qua có hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Với sự tham gia của các sở, ban ngành, đặc biệt các cơ quan báo chí đã phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhạy cảm trong công tác bảo đảm chất lượng ATVSTP thu hút được sự quan tâm, chú ý của xã hội, góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Từ những nỗ lực trên, công tác ATVSTP của Phú Yên đã có những chuyển biến.
Cuối năm 2011, tỉnh tổ chức Tháng hành động Vì chất lượng ATVSTP với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm” tại 74 điểm với hơn 76.000 người tham dự. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được đẩy mạnh ở tuyến huyện, xã với các hình thức tuyên truyền như phát thanh, hội thảo, hội nghị, cấp phát tờ rơi, áp phích, băng đĩa. Ngành đã đào tạo nâng cao về nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ quản lý ATVSTP cho cán bộ; trang bị kiến thức ATVSTP cho 800 người sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất. Kết quả kiểm tra, hậu kiểm 15.000 lượt kiểm tra cơ sở trên 9.194 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, ăn uống giải khát, bếp ăn tập thể, có trên 81% đạt điều kiện ATTP; 2.819 cơ sở vi phạm ATTP bị nhắc nhở tại chỗ, phạt tiền, hủy sản phẩm, đóng cửa cơ sở...
Qua theo dõi các vụ ngộ độc thực phẩm, các ca ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; tổ chức giám sát các mối nguy gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thực phẩm có chứa DEHP, hàn the, methanol, ure... của các tuyến, cho thấy những năm gần đây, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm, không có trường hợp tử vong, không có vụ ngộ độc tập thể trên 30 người mắc. Kết quả đó có được là nhờ ngành Y tế tỉnh phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện, thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra về ATTP; đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện trách nhiệm được phân công về bảo đảm ATTP. Chi cục ATVSTP phối hợp với các cơ sở y tế và các ngành chức năng trong hoạt động quản lý chất lượng ATVSTP, góp phần không nhỏ vào thành công của các sự kiện lớn được tổ chức tại tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo đảm ATVSTP ở Phú Yên còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng ngộ độc thực phẩm luôn là mối nguy cơ. Bên cạnh những vụ ngộ độc cấp tính vẫn còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện ở dạng mãn tính. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát an toàn vệ sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, công tác xử lý các cơ sở thực phẩm vi phạm các quy định pháp luật của chính quyền địa phương còn hạn chế; hệ thống kiểm nghiệm ATTP chưa đáp ứng theo yêu cầu; tỉ lệ chủ cơ sở và người tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức ATVSTP, khám sức khỏe định kỳ theo quy định còn thấp. Công tác quản lý chất lượng ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn một số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng vẫn đang hoạt động.
Để khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý ATVSTP, kiến nghị UBND tỉnh cần phân bổ chỉ tiêu biên chế cán bộ làm công tác quản lý ATVSTP phù hợp từng địa phương. Các ngành liên quan và chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm Nghị định 38 ngày 25/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; xây dựng hệ thống kênh truyền thông về ATVSTP; xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ một phần kinh phí góp phần đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng ATTP.
BS NGUYỄN THANH TRÚC
Phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên