Mùa hè đi bơi là một thú vui, có sức cuốn hút nhiều người. Đây là môn thể thao tăng cường sức khỏe rất hiệu quả, nhưng để an toàn cũng phải lưu ý một số vấn đề sau:
Ảnh minh họa: Internet
Sau khi lao động, mồ hôi đang ra nhiều không nên nhảy xuống nước bơi ngay vì dễ bị cảm lạnh đột ngột, thậm chí có thể bị ngất xỉu mà ta gọi là “trúng nước”. Nguyên nhân do cơ thể không kịp phản ứng trước sự thay đổi đột ngột nhiệt độ nóng, lạnh. Đây là lý do chính làm cho người biết bơi cũng bị đuối nước ngay nơi nước cạn.
Khác với những người bị đuối nước do phổi đầy nước, những người bị “trúng nước” bị ngất trước rồi mới bị ngạt thở. Bởi vậy, nếu đang ra nhiều mồ hôi nên nghỉ ngơi đến khi hết mệt, người ráo mồ hôi hãy xuống nước bơi lội. Khi xuống nước cần vận động nhẹ nhàng vài phút cho cơ thể thích nghi với nước rồi hãy bơi.
Người yếu không nên bơi lội lúc đói. Thời gian tắm và bơi nhiều hay ít là tùy theo sức khỏe từng người. Nhưng nói chung không nên bơi, tắm đến lúc cảm thấy người mệt mỏi hoặc nổi gai ốc vì lạnh.
Để tránh chuột rút (vọp bẻ) trong khi tắm không nên bơi quá lâu, vận động quá sức, chân đạp nước quá nhiều đề phòng cơ bắp dễ bị co cứng đột ngột.
Trong những ngày hè, tốt nhất là bơi ở sông, biển. Nhưng bơi ở những nơi này phải tự lượng sức mình, không bơi quá xa nhất là chỗ nước sâu, nước chảy xiết, hoặc có sóng lớn đề phòng tai nạn đuối nước.
Những người bệnh tăng huyết áp có thể bơi lội, nhưng chỉ bơi nhẹ nhàng, nước hồ hơi mát, không lạnh để tránh co mạch ngoại vi đột ngột làm tăng huyết áp. Với một số trường hợp bệnh nặng, cần phải được khám bệnh và có sự theo dõi, hướng dẫn chu đáo của thầy thuốc trước khi luyện tập bằng bơi lội.
Nói chung, để việc bơi lội có hiệu quả chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, tập luyện phải thường xuyên, liên tục, ít nhất là 3 buổi/tuần. Cần lượng sức mình, không nôn nóng, nâng dần thời gian mỗi buổi tập cho phù hợp với sức khỏe.
Theo suckhoedoisong.vn