Vai trò của y tế trường học đã được khẳng định là rất cần thiết, dù ở bậc học mầm non hay đại học. Vì vậy, phòng chống bệnh tật học đường là một vấn đề mang tính cấp bách.
Nhân viên y tế Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa) phát thuốc cho học sinh - Ảnh: T.HẰNG
Thời gian qua, một số chương trình phòng, chống bệnh tật được đưa vào các trường học. Tuy nhiên, công tác y tế trường học vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Sức khỏe của học sinh, sinh viên (HSSV) chưa được theo dõi chăm sóc một cách toàn diện, có hệ thống; các bệnh tật học đường đã không ngừng phát triển.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC
Trong những năm qua, ngành Y tế và GD-ĐT Phú Yên cùng phối hợp trong công tác y tế trường học. Phối hợp liên ngành với mục tiêu xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức y tế trường học các cấp; đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Theo đó, một số hoạt động đã triển khai như tổ chức tuyên truyền, tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khỏe cho HSSV; vận động học sinh và toàn xã hội tích cực tham gia phòng, chống các bệnh đặc thù như: cong vẹo cột sống, khúc xạ học đường, nha học đường và các rối loạn phát triển tâm sinh lý; tuyên truyền, giáo dục cho HSSV thực hiện tốt các hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ma túy và HIV/AIDS, các tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông; giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng chống bệnh dịch; vận động HSSV và gia đình tham gia bảo hiểm y tế.
Từ năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT Phú Yên chỉ đạo các trường học trong tỉnh sử dụng “Sổ quản lý công tác y tế trường học” giúp tăng cường công tác quản lý về sức khỏe HSSV. Các cơ sở GD-ĐT chủ động phối hợp với y tế địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức khám, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho HSSV. Ở các trường mầm non, mỗi trẻ em vào trường đều phải qua khâu khám sức khỏe ban đầu, được lập sổ theo dõi sức khỏe, phiếu theo dõi tiêm chủng và biểu đồ theo dõi cân nặng, chiều cao; thực hiện tiêm chủng phòng bệnh, khám sức khỏe định kỳ và tổ chức cân đo, theo dõi biểu đồ phát triển cho trẻ theo quy định. Trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, liên ngành hướng dẫn các trường tổ chức xây dựng, củng cố phòng y tế học đường, chủ động phòng, chống các bệnh dịch, đồng thời linh hoạt, khéo léo lồng ghép cung cấp kiến thức cho HSSV phòng, chống ma túy và HIV/AIDS, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng tránh tai nạn, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên… trong các bài giảng; hướng dẫn các trường cải tạo, xây dựng mới trường lớp theo tiêu chuẩn vệ sinh hiện hành, giám sát các yếu tố vệ sinh trường học như: môi trường học tập, ánh sáng, phương tiện, thiết bị học tập.
TĂNG CƯỜNG SỰ PHỐI HỢP
Thời gian tới, liên ngành Y tế, GD-ĐT của tỉnh theo từng cấp tiếp tục hướng dẫn và thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe cho HSSV; đẩy mạnh công tác xây dựng cảnh quan, môi trường “xanh - sạch - đẹp”: phấn đấu xây dựng trường học có sân chơi, bãi tập thể dục thể thao, có đầy đủ nhà tiểu, hố tiêu hợp vệ sinh và nước sạch sử dụng, cống rãnh thông thoát, thu gom rác và có nơi xử lý rác triệt để; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường trường học. Với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, tất cả các trường phải có đủ nước chín, sạch cho học sinh, giáo viên uống. Đối với các trường có học sinh ở bán trú, nội trú phải tổ chức bếp ăn hoặc căn tin phục vụ ăn uống cho học sinh, thực hiện nghiên túc quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không để ngộ độc thực phẩm trong trường học. Hiệu trưởng nhà trường phải quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của ngành y tế địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan tại địa phương và các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong trường triển khai, thực hiện các hoạt động y tế khác như: Bồi dưỡng kiến thức nuôi dạy trẻ tại gia đình và cộng đồng; tiêm phòng uốn ván; phòng chống: sốt xuất huyết, sốt rét, giun sán, suy dinh dưỡng, bệnh cong vẹo cột sống, tai nạn thương tích… Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương để có kế hoạch hướng dẫn cho HSSV, cán bộ, giáo viên kiến thức và kỹ năng về phát hiện và phòng, chống những bệnh mới xuất hiện; thông tin đúng và đầy đủ về bệnh để HSSV không hoang mang, lo lắng; phối hợp chặt chẽ với y tế các cấp triển khai tốt chương trình Khúc xạ học đường; cùng Công ty Colgate - Palmolive Việt Nam triển khai hoạt động Chương trình Giáo dục Nha học đường và Chương trình phân phối kem đánh răng và bàn chải răng Colgate cho học sinh lớp 1 trong năm học 2012-2013.
Sức khỏe tốt là một mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện HSSV trong trường học. Chính vì vậy, liên ngành GD-ĐT và Y tế Phú Yên sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ đầu tư toàn diện vào các hoạt động y tế trong trường học; chỉ đạo, triển khai công tác y tế trường học phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe HSSV.
Thạc sĩ LÂM THỊ CÚC
(Sở GD-ĐT Phú Yên)