Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên sắp đi vào hoạt động. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên về những vấn đề xung quanh việc chuẩn bị cho một bệnh viện chuyên khoa ra đời.
Bác sĩ Phan Vũ Nhân
* Ông có thể cho biết nhu cầu cấp thiết về sự ra đời của Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên?
Việc ra đời Bệnh viện Sản - Nhi rất phù hợp với Phú Yên; từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và bệnh trẻ em trong tỉnh ngày càng cao. Sự ra đời Bệnh viện Sản - Nhi sẽ giúp nâng cao tỉ lệ sống mẹ và trẻ sơ sinh khi được đầu tư hơn nữa về trang thiết bị và chuyên môn cho các y bác sĩ; bên cạnh đó, giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
* Quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi đến đâu, thưa ông?
- Qua tham mưu của Sở Y tế, UBND tỉnh cho phép sử dụng lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ (270 Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa) là cơ sở Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các khoa, phòng và trang bị thêm một số trang thiết bị hoạt động. Hiện nay cơ sở được quét vôi, sửa chữa lại sạch đẹp và cũng sắp hoàn thành. Về trang thiết bị, ngành sẽ sử dụng toàn bộ trang thiết bị sẵn có ở khoa Nhi và khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển qua, đồng thời trang bị thêm một số dụng cụ cần thiết và đang chờ hỗ trợ thêm những thiết bị chuyên dụng, hiện đại từ dự án ODA.
* Thưa ông, vấn đề nhân lực được thực hiện như thế nào khi tỉnh trong tình trạng thiếu bác sĩ?
- Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên thành lập trên cơ sở nguồn nhân lực từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh với toàn bộ thầy thuốc ở khoa Nhi, khoa Sản và khoảng 1/3 nhân lực ở các khoa khác. Dự tính từ nay đến 2015, bệnh viện có quy mô 200 giường, thực hiện đầy đủ chức năng khám, cấp cứu sản, nhi. Biên chế khoảng 400 cán bộ, công nhân viên, nhưng trước mắt bệnh viện có 300 nhân viên (gần 40 bác sĩ), sau sẽ tuyển nhân viên theo nhu cầu.
Thiếu nhân lực nói chung, thiếu bác sĩ nói riêng là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Phú Yên. Chúng tôi cũng đã tính kỹ, việc lấy bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh sao cho bệnh viện này vẫn hoạt động bình thường. Riêng Bệnh viện Sản - Nhi, trước mắt bác sĩ còn
thiếu nên đưa việc trực cấp cứu ban đêm lồng vào khoa hồi sức cấp cứu.
Không phải vì thiếu nhân lực mà không thành lập bệnh viện mới. Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Nam khi mới thành lập chỉ có 5 bác sĩ, nhưng hiện hoạt động rất hiệu quả.
Sắp tới bệnh nhân nhi (trẻ em) sẽ được khám và điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
* Đâu là thế mạnh của Bệnh viện Sản - Nhi khi đi vào hoạt động?
- Hiện tại bộ khung của Ban giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi và các phòng chức năng đã có, phần lớn là đội ngũ trẻ, có năng lực, yêu nghề. Thế mạnh của bệnh viện này sẽ là cấp cứu nhi, hồi sức sơ sinh; mổ nội soi sản phụ khoa. Chúng tôi rất tự tin vì lực lượng y, bác sĩ ở khoa Sản, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian qua đã được hỗ trợ từ Bệnh viện Trung ương Huế về cấp cứu nhi, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ chuyên môn về mổ nội soi sản phụ khoa cũng như cấp cứu; chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức đã giúp cho nhân viên y tế nâng cao chuyên môn về cấp cứu sản,
nhi; cách giao tiếp ứng xử. Đề án 1816 của tỉnh vẫn còn thực hiện, nên còn tiếp tục nhận sự giúp đỡ, chuyển giao của bệnh viện tuyến trên.
UBND tỉnh cũng đang nghiên cứu để có những chính sách thu hút bác sĩ nói riêng, cán bộ y tế nói chung. Chúng tôi mong có nhiều con em Phú Yên sau khi tốt nghiệp trường y về phục vụ tại quê hương.
Bệnh viện sẽ đi vào hoạt động dịp 19/5. Hy vọng đây là bước phát triển mới trong thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân.
* Xin cảm ơn ông!
VŨ HOÀNG (thực hiện)