Hỏi: Tôi thường bị đầy hơi tức bụng, nhất là sau bữa ăn, thỉnh thoảng phải ợ hơi, đánh rắm. Tôi đi siêu âm, nội soi nhưng không phát hiện có bệnh gì ở dạ dày, ruột. Cần khám thêm gì để tìm ra bệnh, mong được bác sĩ tư vấn thêm.
TRẦN VĂN ANH
(Phường 9, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Ợ hơi, đánh rắm là một hiện tượng bình thường của đường tiêu hóa. Trung bình có khoảng 30-200ml hơi trong dạ dày, ruột. Các hơi này là hỗn hợp gồm không khí nuốt phải khi ăn, uống; một số chất khí như CO2, CH4, H2S, H2 do quá trình lên men thức ăn (nhất là tinh bột) của các vi khuẩn ở trong ruột. Một cách tự nhiên, hơi này thoát ra khỏi cơ thể bằng cách ợ hơi, đánh rắm và hấp thụ vào máu qua màng dạ dày, ruột.
Khi lượng hơi này nhiều hơn bình thường có thể gây nên cảm giác chướng bụng. Các yếu tố làm sinh nhiều hơi trong bụng có thể là:
Nuốt hơi nhiều khi ăn uống do ăn nhanh, nuốt vội, vừa ăn vừa nói chuyện, vừa ăn vừa uống, dùng đồ uống có ga, răng giả không khít, hàm không khít do bị nhiều răng rụng; ăn xong đi nằm ngay làm hơi nuốt phải khó ợ ra được, bị tích tụ nhiều; ăn các ngũ cốc
có loại tinh bột chậm tiêu hóa như các loại hạt, đậu, khoai lang, tạo điều kiện cho vi khuẩn lên men sinh hơi nhiều (ăn khoai lang, hạt mít nướng thường bị đánh rắm nhiều cũng vì lý do này; tinh bột của gạo được tiêu hóa nhanh hơn); đầy hơi cũng có thể là triệu chứng báo trước của một bệnh ác tính đường tiêu hóa, hoặc do sự trào ngược của axit dạ dày lên thực quản; tiêu hóa thức ăn kém do suy chức năng gan, do nhiễm ký sinh trùng đường ruột như nhiễm giun, nhiễm Giardia…
Anh đã có kiểm tra, có thể yên tâm không bị các bệnh thực thể nguy hiểm. Nhưng lưu ý thêm, tâm lý căng thẳng lâu ngày vì chứng đầy hơi, tức bụng cũng có tác dụng ngược lại làm tình trạng này nặng thêm.
Trước mắt anh nên xem lại cách ăn uống, chú ý cần ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa uống hay nói chuyện nhiều trong khi ăn; ăn xong không nên đi nằm ngay. Nếu đã thử các cách trên vẫn không làm bớt triệu chứng có thể làm thêm một số xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng đường ruột, các xét nghiệm chẩn đoán bệnh dạ dày. Nếu cần có thể làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để loại trừ bệnh ác tính.
BS ĐOÀN VĂN HẢI