Sự cố y khoa và sai sót chuyên môn kỹ thuật đang là vấn đề được những người hành nghề, mọi cơ sở y tế quan tâm. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với thạc sĩ Phạm Đức Mục, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế về vấn đề trên nhân chuyến công tác của ông tại Phú Yên mới đây.
* Xin Ông cho biết sự cần thiết của an toàn người bệnh (ATNB) tại các bệnh viện như thế nào?
Thạc sĩ Phạm Đức Mục
- Có thể khẳng định, ở bất cứ công đoạn nào của quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Khi sự cố y khoa không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân. Đặc biệt, người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả, làm ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí chết người.
Theo các nhà nghiên cứu y học, lĩnh vực y khoa là lĩnh vực có nhiều rủi ro nhất đối với đối tượng tiếp nhận. Các bệnh viện phải triển khai chương trình quản lý ATNB để thực hiện nguyên tắc hàng đầu trong y khoa là: “Trước tiên không gây nguy hại cho người bệnh”.
* Đâu là cơ sở pháp lý về ATNB để áp dụng thực hiện trong khám bệnh, chữa bệnh thưa ông?
- Khi xảy ra tai biến đối với người bệnh và có tranh chấp thì bệnh viện phải thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không sai sót chuyên môn, kỹ thuật. Trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn thì có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận cuối cùng. Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu về cơ sở khám chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề.
Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi hội đồng chuyên môn xác định đã có một trong các hành vi: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; xâm phạm quyền của người bệnh. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi hội đồng chuyên môn xác định đã thực hiện đúng các quy trình chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến. Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn; các trường hợp bất khả kháng dẫn đến xảy ra tai biến với người bệnh.
Có hai hình thức giải quyết tranh chấp là tự hòa giải và khởi kiện tại tòa án
* Tại Phú Yên, mỗi khi xảy ra sự cố y khoa, người dân thường đổ lỗi cho bệnh viện. Vậy ông có thể cho biết hiện trạng về sự cố y khoa ở Việt Nam và các nước phát triển được áp dụng nhiều công nghệ cao trong khám bệnh, chữa bệnh?
- Các tai biến do sai sót của cán bộ y tế và do các sự cố y khoa ngoài ý muốn không một bác sĩ nào muốn xảy ra. Trong y tế, thủ thuật, phẫu thuật có thể xảy ra tai biến bất cứ lúc nào. Đây là khoa học chẩn đoán, mà chẩn đoán thì có sai sót nhất định. Trong khi đó, bác sĩ phẫu thuật 100 bệnh nhân có 1 trường hợp tử vong thì người dân không nghĩ bác sĩ đã thực hiện đạt 99% mà chỉ coi như là con số 0.
Theo ước tính của Đại học Harvard, hàng năm ở Mỹ có tới 98.000 người tử vong liên quan đến sự cố y khoa không mong muốn. Mỗi năm, ở Nhật Bản có khoảng 800 vụ người dân kiện thầy thuốc ra tòa, và chỉ 2% vụ được kết luận do thầy thuốc sơ suất.
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu chưa có hệ thống nên chưa có một bức tranh đầy đủ về sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã phải đương đầu với các sự cố và ảnh hưởng khác nhau tới tính mạng và sức khỏe con người. Số trường hợp nêu trên báo chí là phần nổi của tảng băng chìm không rõ độ lớn và kích thước. Các sự cố y khoa không mong muốn được biết đến qua khiếu kiện của người bệnh hay gặp như: nhầm vị trí phẫu thuật, nhầm thuốc, nhầm trẻ sơ sinh, nhiễm trùng sau phẫu thuật… Một số bác sĩ đã phải bồi thường tài chính cho người bệnh và một số trường hợp đã đưa ra tòa để giải quyết.
Sự cố y khoa ngoài ý muốn khó tránh khỏi trong phẫu thuật (Ảnh chỉ có chất minh họa) - Ảnh: T.THỦY
* Vậy theo ông, cần những giải pháp nào để giảm sai sót, sự cố y khoa?
- Theo các nhà nghiên cứu y khoa, 70% các sự cố y khoa không mong muốn có nguồn gốc từ hệ thống và chỉ có 30% là do cá nhân người hành nghề. Văn hóa an toàn cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo và sự tham gia của mọi cán bộ y tế.
Hiện nay, sai sót chuyên môn đã được đưa vào Luật Khám chữa bệnh và là một trong những tiêu chí quan trọng nhất về chất lượng. Các giải pháp kỹ thuật cần thực hiện là: xác định chính xác tên người bệnh; cải thiện thông tin giữa các nhân viên y tế; bảo đảm an toàn trong dùng thuốc; xóa bỏ nhầm lẫn trong phẫu thuật. Bên cạnh đó, các bệnh viện thành lập Ban ATNB; đào tạo nhân viên y tế nhận thức và thực hiện các hoạt động ATNB; nghiên cứu về ATNB, chia sẻ các bài học từ việc phân tích nguyên nhân gốc với lãnh đạo; học hỏi và rút kinh nghiệm từ những sai sót. Bệnh viện thiết lập hệ thống báo cáo sự cố y khoa; xây dựng và thực hiện các giải pháp bảo đảm ATNB; giáo dục nhân viên y tế văn hóa an toàn và biết cách thể hiện văn hóa này; khuyến khích bệnh nhân và gia đình họ tham gia vào tiến trình chăm sóc người bệnh. Cuối cùng là cùng nhau chia sẻ thông tin về ATNB tại các hội nghị và qua các buổi trao đổi không chính thức.
Một mặt nữa, ngành Y tế cần đẩy mạnh truyền thông, sao cho bệnh nhân có nhận thức và có quyền trao đổi khi điều trị. Đồng thời, bệnh nhân phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với thầy thuốc khi sự cố xảy ra, không gây áp lực. Lãnh đạo địa phương cần tăng thêm biên chế, tăng cán bộ để giảm áp lực tại các bệnh viện.
* Xin cảm ơn ông!
THU THỦY (thực hiện)