Không mấy ai chịu phòng ngừa bệnh tim lúc còn khỏe trong khi cuộc sống ngày càng căng thẳng. Rượu bia, thuốc lá, cà phê... không ngừng mời gọi...
Tận dụng mọi cơ hội để vận động dưới hình thức thể dục thể thao, tối thiểu mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 30 phút |
Ai cũng biết máy nào xài hoài cũng phải có lúc hao mòn. Ấy vậy mà không mấy ai nghĩ đến trái tim đập hoài không được nghỉ! Ai cũng mong thừa tiền, thừa tình nhưng nếu nghĩ đến bệnh tim mạch thì ngược lại, vì có vài món càng ít càng khỏe cho tim.
Bên cạnh tuổi đời là yếu tố không thể tránh, các nhân tố nên được tiết chế tối đa để tim lâu “về hưu” gồm: lượng chất mỡ trong máu; số điếu thuốc đốt mỗi ngày; huyết áp, nhất là huyết áp trương tâm (con số biểu thị tính chất đàn hồi của mạch máu); lượng đường trong máu; trọng lượng cơ thể và chỉ số khối cơ thể (BMI - chỉ số dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người); thói quen ngồi quá lâu trước máy vi tính; cường độ stress trong nếp sinh hoạt hằng ngày, nhất là áp lực về thời gian.
Không ai có thể một sớm một chiều thay đổi thói quen trong nếp sinh hoạt, nhất là khi không quyết tâm. Nhưng không thể nhìn xa nếu chưa thấy rộng. Bệnh tim chắc chắn không chịu lui bước hay tối thiểu chậm đi vài bước nếu các biện pháp dưới đây là chuyện quá xa vời. Đó là:
- Cố gắng nói không với thuốc lá. Nếu không xong thì tối thiểu cũng cắn răng nhịn hút vài ngày trong tháng để lá phổi có dịp nghỉ xả hơi.
- Giảm tối đa rượu, bia và đừng quên giải độc định kỳ cho cơ thể.
- Hạ chất mỡ trong máu bằng chế độ dinh dưỡng thiên về nguồn thực phẩm xanh hay thậm chí dùng thuốc trong trường hợp cần thiết, dưới sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa.
- Tận dụng mọi cơ hội để vận động dưới hình thức thể dục thể thao, tối thiểu mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 30 phút. Không cần phải chọn môn căng thẳng. Nhẹ nhàng thôi nhưng đều đặn (như đạp xe, bơi lội, đi bộ...).
- Giảm cân cho bằng được nếu dư cân.
- Thư giãn chống stress, theo kiểu nào cũng được, miễn là kiên trì.
- Theo dõi định kỳ chất mỡ (cholesterol, triglyceride, LDL) và chất xúc tác tình trạng xơ vữa mạch máu (homocystein, troponin, CRP). Đừng quên là tình trạng xơ vữa mạch máu bắt đầu từ tuổi 40 và càng nhanh chân ở người thiếu hụt nội tiết tố giới tính. Đừng đợi đến già mới khám sức khỏe. Những việc như thử máu, đo điện tim, siêu âm tim... cần được tiến hành ngay lúc còn trẻ. Quan trọng hơn nữa là lưu trữ dữ liệu chẩn đoán để tiện việc so sánh diễn tiến hằng năm thay vì chỉ khám bệnh theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Cho dù ngành y có tự hào thế nào về kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị thì nhồi máu cơ tim chắc chắn vẫn là “bản án tử hình” không hề báo trước. Lý do rất dễ hiểu là vì không mấy ai chịu bắt tay phòng ngừa bệnh tim lúc còn khỏe trong khi cuộc sống càng lúc càng căng thẳng và rượu bia, thuốc lá, cà phê... không ngừng mời gọi chúng ta những khi quá mệt mỏi trên đường đời.
Theo NLĐ