Trẻ em Phú Yên đang đứng trước nguy cơ suy dinh dưỡng “kép”. Đó là tình trạng thấp, bé đi đôi với thừa cân, béo phì. Nếu không sớm có giải pháp toàn diện thì trong nhiều năm tới, tỉnh Phú Yên vẫn chưa thể có được một nguồn nhân lực đầy đủ trí lực để phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Phương pháp dinh dưỡng mới là ăn một chén cơm thì ăn một chén canh hoặc một chén rau - Ảnh: T.DIỆU
THẤP BÉ VÀ THỪA CÂN
Năm 2011, cứ 100 trẻ em ở Phú Yên thì đã có gần 20 trẻ bị suy dinh dưỡng (19,1%) cao hơn 1,6% so với cả nước và được xếp vào những tỉnh có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao.
Từ bào thai đến 5 tuổi là giai đoạn mà trẻ em có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng từ tháng 24-60 lên đến 27%, cao hơn 50% ngưỡng trung bình cho phép. Đây được xem là một vấn đề báo động không thể giải quyết trong một thời gian ngắn mà cần phải có một chiến lược dài hơi mới cải thiện tình trạng trên.
Dinh dưỡng được xem là vấn đề mấu chốt gây nên tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân ở trẻ em. Trong giai đoạn mang thai, người mẹ đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng khả năng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Thế nhưng có đến 26% phụ nữ Phú Yên bị suy dinh dưỡng cân nặng và hầu hết bị suy dinh dưỡng chiều cao trong thời kỳ mang thai. Trong 24 giờ sau khi sinh nếu không được bú sữa mẹ, trẻ sẽ bị đói và gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng trong thời kỳ này. Thế nhưng có đến 40% phụ nữ Phú Yên không cho con bú ngay khi trẻ vừa lọt lòng.
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hầu hết các gia đình chỉ có từ 1-2 con, từ đó trẻ nhận được sự thương yêu chiều chuộng của cha mẹ, ông bà, họ hàng nên việc để trẻ ăn tự do nhiều bữa và dư chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn dẫn đến tình trạng thừa cân và béo phì. Theo khảo sát của Trung tâm Sức khỏe sinh sản Phú Yên, tại TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu có đến 2-4% trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì. Đây được xem là con số tiền báo động nguy cơ thừa cân, béo phì vì sai chế độ dinh dưỡng.
Trẻ suy dinh dưỡng sẽ yếu về mặt thể chất dẫn đến thiếu linh hoạt và nguy cơ đần độn cao hơn trẻ bình thường. Trẻ thừa cân, béo phì dễ dẫn đến các bệnh tiểu đường, tim mạch, có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh gout và cơ thể mất cân đối… Nếu việc suy dinh dưỡng “kép” không được quan tâm đúng mức thì sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến lực lượng lao động trẻ trong tương lai của tỉnh.
BỮA ĂN DINH DƯỠNG HỢP LÝ
Bữa ăn hợp lý là cách tốt nhất để phòng chống các bệnh suy dinh dưỡng “kép” cho trẻ em. Chị Ngô Thị Hòa (phường 8, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Tôi có một con gái 8 tuổi. Cháu cao 1,22m và nặng 25kg, có thể chất vượt trội so với nhiều bạn trong lớp. Cháu luôn năng động, đặc biệt là đối với các trò chơi và môn thể dục thể thao ở trường. Trước lúc mang thai tôi đã tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cúm, bệnh rubella, viêm gan B để chuẩn bị cho quá trình mang thai được an toàn. Tôi nghĩ trẻ con cần phải được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Chính vì thế trong vòng sáu tháng đầu, tôi luôn cố gắng ăn uống hợp lý để có nguồn sữa dồi dào cho con. Khi bắt đầu ăn dặm, tôi cho cháu uống thêm ba ly sữa trong ngày nhằm tăng cường canxi cho cơ thể. Tôi cho cháu ăn nhiều bữa và có chế độ học tập, nghỉ ngơi hợp lý để cháu có thể phát triển thể chất và tinh thần tốt nhất.
Hiện nay, các mô hình dinh dưỡng được cho là hợp lý như tháp dinh dưỡng, đĩa dinh dưỡng đều khuyến khích tăng cường nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc và giảm đạm động vật trong một bữa ăn. Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe sinh sản Phú Yên thì để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý cần chia bữa ăn ra thành nhiều bữa nhỏ, tốt nhất là từ 5-6 bữa trong ngày. Áp dụng phương pháp ăn: một chén cơm ăn kèm với một chén rau hoặc một chén canh và một ly sữa để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. “Thiếu ăn thiếu thể chất, thiếu ngủ thiếu tinh thần”, chính vì thế dinh dưỡng kiểu mới là không bó hẹp về dinh dưỡng thể chất mà còn chú trọng dinh dưỡng tinh thần để trẻ có thể phát triển cơ thể một cách toàn diện nhất.
Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên sắp đi vào hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội tư vấn, khám và điều trị các bệnh liên quan đến trẻ em đặc biệt là suy dinh dưỡng “kép”.
DIỆU ANH