Thứ Bảy, 30/11/2024 10:45 SA
Phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Thứ Hai, 20/02/2012 08:00 SA

Viêm tai giữa là một trong những bệnh hay gặp nhất ở trẻ nhỏ và thiếu niên. Hầu hết trẻ em có ít nhất một lần bị viêm tai trong khoảng thời gian từ 3-6 tuổi và thường xảy ra sau cảm lạnh.

viem-tai120220.gif
Ảnh minh họa: Internet
Tai giữa chỉ to bằng hạt đậu ở phía sau màng nhĩ, gồm 3 xương rất nhỏ truyền rung động từ màng nhĩ vào tai trong, chuyển đổi thành xung động thần kinh giúp ta nghe được. Tai giữa được nối với mũi và họng bởi vòi nhĩ. Hầu hết viêm tai xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh và thường kèm theo sưng và viêm vòi nhĩ.

DẤU HIỆU TRẺ BỊ VIÊM TAI GIỮA

Trẻ nhỏ khi bị đau tai có biểu hiện mệt mỏi và tiếng khóc khác với khóc khi đói hoặc gắt ngủ. Nếu bạn chú ý có thể nhận ra tiếng khóc của bé khi bị bệnh. Có lẽ khi khóc các cơ ở hàm và mặt cử động sẽ làm cho đau tai tăng lên, nên tiếng khóc sẽ khác. Có thể thấy trẻ cọ hoặc kéo tai và không đáp ứng với âm thanh do sức nghe bị kém đi.

Kinh nghiệm thực tế là nhiều trường hợp trẻ cọ tai, hay kéo tai là dấu hiệu ứ dịch trong tai giữa. Trẻ bị viêm tai giữa rất đau và kèm theo sốt. Trẻ chán ăn, có biểu hiện chóng mặt hoặc mất thăng bằng, trẻ lớn biết kêu đau tai và nhăn nhó vì đau. Khi trẻ kêu đau tai kéo dài hơn một ngày hoặc kèm theo sốt, bạn nên đưa bé đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Nếu nhìn thấy máu và mủ chảy ra, có thể là dấu hiệu trẻ đã bị rách màng nhĩ. Bệnh thường gặp ở trẻ quá nhỏ để có thể nói cho bạn biết chúng bị đau. Cho nên khi chăm sóc bé từ 4-24 tháng tuổi, bạn cần cảnh giác với dấu hiệu mất ngủ, cáu kỉnh và kém ăn sau khi trẻ bị cảm lạnh. Nhiễm khuẩn kéo dài hoặc tái phát có thể làm tổn thương màng nhĩ, xương tai và cấu trúc tai giữa, có thể gây điếc vĩnh viễn.

CHĂM SÓC VÀ PHÒNG BỆNH

Khi đã xác định trẻ bị viêm tai giữa do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng kháng sinh từ 5-10 ngày. Thuốc có hiệu quả, trẻ sẽ khá hơn trong một vài ngày, nhưng bạn đừng ngừng thuốc quá sớm có thể làm cho viêm tái phát và làm cho vi khuẩn kháng thuốc.

Hầu hết trẻ có dịch trong tai khoảng 2 tháng sau khi đã khỏi viêm. Nếu dịch ở tai giữa ảnh hưởng tới sức nghe của trẻ, hoặc viêm tai tái phát không đáp ứng với kháng sinh, bác sĩ có thể đặt một ống nhỏ qua màng nhĩ giúp làm thoát dịch và cân bằng áp lực giữa tai giữa và tai ngoài để cải thiện thính lực cho trẻ.

Ngoài uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần dùng vải dấp nước ấm chườm để giảm đau cho trẻ. Không dùng thuốc nhỏ tai nếu trẻ có chảy nước tai. Để làm trẻ dễ chịu hơn, cha mẹ hãy âu yếm trẻ.

Có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ bằng cách: chọn nơi giữ trẻ có quy mô nhỏ vì càng có nhiều trẻ em trong lớp trẻ càng dễ bị lây cảm lạnh và nhiễm khuẩn. Tránh cho trẻ hít phải khói thuốc lá. Các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong năm đầu vì sữa mẹ truyền miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ chống lại viêm tai giữa và các bệnh nhiễm khuẩn khác.

(suckhoedoisong.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cách làm hiệu quả
Thứ Hai, 20/02/2012 14:00 CH
Nước trà đặc tốt hơn nước súc miệng
Chủ Nhật, 19/02/2012 11:00 SA
Những hạn chế sức khỏe của mật ong
Thứ Bảy, 18/02/2012 10:30 SA
18% trẻ em trong tỉnh bị suy dinh dưỡng
Thứ Bảy, 18/02/2012 08:00 SA
Thuốc từ các loại nhộng
Thứ Sáu, 17/02/2012 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek