Những năm gần đây, với sự tài trợ của tổ chức Fred Hollows (Úc), Bệnh viện Mắt Phú Yên triển khai thực hiện chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp kết hợp với khám phát hiện mù lòa tại cộng đồng, mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc mắt toàn diện.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Phú Yên khám cho bệnh nhân - Ảnh: INTERNET
Hầu như mỗi đợt truyền thông kết hợp với khám đều phát hiện nhiều trường hợp bệnh mắt và người mù chưa được chữa trị. Năm 2011, Bệnh viện Mắt Phú Yên tổ chức được 40 đợt truyền thông giáo dục sức khỏe kết hợp với khám phát hiện bệnh, đã có 3.660 người tham gia; trong đó có 2.327 ca phẫu thuật (1.900 ca đục thủy tinh thể và 427 ca các bệnh mắt khác); khám tầm soát bệnh Glaucoma cho 5.227 người, trong đó có 283 bệnh nhân được điều trị dự phòng bằng laser miễn phí.
Hiện bệnh nhân bị mù trong tỉnh còn rất nhiều. Tuy nhiên, họ không tự đi khám được vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do không biết bệnh của mình được chữa trị như thế nào, ở đâu, kinh phí bao nhiêu… Những hạn chế về sức khỏe, thông tin về bệnh cũng như khó khăn về tài chính đã khiến cho bệnh nhân mù bỏ lỡ các cơ hội khám chữa bệnh. Do vậy, hoạt động khám, phát hiện bệnh và truyền thông để người dân biết, chủ động trong công tác phòng tránh, khám, điều trị kịp thời có ý nghĩa trong công tác xóa mù của tỉnh.
Qua những lần thử nghiệm và áp dụng các kênh truyền thông khác nhau, Bệnh viện Mắt Phú Yên nhận thấy ứng dụng truyền thông trực tiếp kết hợp với khám, phát hiện tại chỗ trong từng nhóm đối tượng đem lại nhiều hiệu quả. Tại mỗi buổi truyền thông (tùy thuộc vào thời gian, địa điểm thông báo lịch khám, phát hiện các bệnh về mắt trong cộng đồng mà nhóm người có thể từ 30-50 người, hoặc 100-500 người), bệnh viện đã áp dụng các hình thức chiếu phim, nói chuyện, tư vấn phát biểu điển hình của người bị mù được mổ sáng mắt trước công chúng…; sau đó kết hợp khám và phát hiện bệnh; tư vấn trực tiếp cho từng đối tượng các thủ tục hành chính khi đi điều trị như: chế độ, chính sách và quyền lợi được hưởng về bảo hiểm y tế hay đóng viện phí….
Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe kết hợp với khám, phát hiện các bệnh về mắt trong cộng đồng có thể nói đã nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc mắt ban đầu, đồng thời tạo điều kiện cho người mắc bệnh được khám chữa bệnh, kịp thời phát hiện, điều trị bệnh phòng tránh mù lòa vĩnh viễn.
Trên cơ sở những thành công, bài học kinh nghiệm, chương trình hành động đến năm 2015 là bản lề quan trọng để nối tiếp công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp chăm sóc mắt sang giai đoạn mới phù hợp xu hướng nền y tế nói chung và công tác chăm sóc mắt nói riêng. Bệnh viện Mắt Phú Yên xác định xây dựng chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe chăm sóc mắt trong giai đoạn tiếp theo là một tất yếu, nhất là triển khai ở các vùng khó khăn, người dân còn hạn chế về hiểu biết trong chăm sóc mắt. Đây cũng là mục tiêu nhằm tiếp tục tăng cường và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông giáo dục sức khỏe lồng ghép khám phát hiện, tư vấn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc mắt ngày càng cao, thực hiện thành công nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
NGUYỄN VĂN CHUNG (Bệnh viện Mắt Phú Yên)