Thứ Hai, 14/10/2024 19:23 CH
Ngăn ngừa tật khúc xạ học đường
Thứ Hai, 06/02/2012 18:00 CH

Những năm gần đây nhờ sự tài trợ của Tổ chức Fred - Hollows (Úc), ngành Y tế Phú Yên triển khai nhiều chương trình phòng, chống bệnh khúc xạ học đường. Tuy nhiên, các bệnh về mắt trong học sinh ngày càng gia tăng đòi hỏi nhà trường và gia đình cần vào cuộc tích cực hơn.

 

kham-mat120206.jpg

Nên khám mắt cho trẻ định kỳ 6 tháng/ lần. Trong ảnh: Khám mắt tại Bệnh viện Mắt Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

NGUY HIỂM TẬT KHÚC XẠ

 

Môi trường trường học chưa đảm bảo như: bàn ghế quá khổ, lớp học thiếu sáng, chất lượng bảng kém, học sinh học tập nhiều hơn về cường độ. Thời gian tiếp xúc với các phương tiện giải trí đa dạng, phong phú (ti vi, máy tính, trò chơi điện tử…) đòi hỏi mắt phải làm việc liên tục trong cự ly gần, làm cho tần suất cận thị gia tăng tới mức báo động. Hiện toàn tỉnh có hơn 15% học sinh bị tật khúc xạ. Bác sĩ Trương Hoàng Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên cho biết, tỉ lệ học sinh mắc tật cận thị ở thành phố thường cao hơn nông thôn và tăng hàng năm. Điều đáng nói là số đông học sinh cận thị chưa được đeo kính.

 

Chị Lê Thị Minh Tâm (phường 3, TP Tuy Hòa) luôn cảm thấy bất an khi tật cận thị ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của con mình. Cậu bé Nguyễn Thanh Hùng, con chị, mới vào lớp ba mà không nhìn rõ chữ và hình vẽ trên bảng nếu không đeo kính. Hùng đọc và viết luôn chậm hơn các bạn, lại dễ nhầm dấu, sót chữ nên em thường buồn rầu. Những khi học ở nhà, Hùng thường mau bị mệt mỏi, kém tập trung. Chị Hồ Thị Bảy (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cũng rất lo cho đôi mắt của con mình. Chị kể: “Vì cận gần 5 độ nên trong sinh hoạt hàng ngày, bé Mai nhà tôi thường chậm chạp, dễ bị tai nạn. Tôi đang lo tật cận thị có thể gây khó khăn cho con trong công việc sau này…”.

 

Tật khúc xạ học đường chủ yếu là cận thị. Cận thị không chỉ ảnh hưởng đến chuyện học và sinh hoạt, mà theo các bác sĩ, bệnh cũng rất dễ gây ra những biến chứng, nguy hiểm nhất là bong võng mạc và hậu quả là gây mù.

 

CÁC BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, khiến ảnh hưởng của một vật sau khi đã đi lọt qua các môi trường trong suốt của mắt, đáng lẽ phải nằm trên võng mạc thì lại nằm trước võng mạc. Về mặt hiện tượng, khi tật cận thị khởi phát, học sinh nhìn không rõ khi vật ở xa, không phân biệt hoặc nhầm lẫn nét số và chữ trên bảng, mỏi mắt khi đọc sách, tiến gần màn hình khi xem ti vi hay chơi trò chơi điện tử… Với tật cận thị thì phương pháp điều trị hiệu quả và rẻ tiền nhất là đeo kính gọng. Bên cạnh việc đeo kính để bảo vệ mắt, các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám định kỳ, phát hiện và xử lý kịp thời các diễn biến tiếp theo.

 

Để hạn chế sự tiến triển của bệnh, điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị sớm thông qua những biện pháp như đeo kính, vật lý trị liệu. Theo khuyến cáo của bác sĩ, phòng tránh cận thị ngay khi đôi mắt trẻ còn khỏe mạnh là điều hết sức quan trọng. Để phòng ngừa nên có chế độ học tập và làm việc hợp lý xen kẽ với các hình thức giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực đều đặn. Học tập, làm việc, đọc sách đúng tư thế, đúng khoảng cách, đủ ánh sáng sẽ giúp mắt đỡ mệt mỏi. Các em không nên để mắt quá căng thẳng khi tiếp xúc với màn hình vi tính, không nên chơi trò chơi điện tử lâu. Phụ huynh nên cho con mình ăn uống đủ chất, chú ý đến những thức ăn có nhiều vitamin A trong rau quả, thực phẩm…”

 

Gần 10 năm nay, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Mắt Phú Yên phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng các huyện khám tật khúc xạ cho 15.000-20.000 học sinh. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện Mắt đã cấp gần 3.000 đôi kính cho những học sinh bị cận thị có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động nằm trong dự án Nâng cao năng lực phòng chống mù lòa do tổ chức FHF (Úc) tài trợ.

 

Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh phối hợp từng bước đưa chương trình chăm sóc mắt ban đầu vào trường học để hướng dẫn, tuyên truyền vệ sinh thị giác, xây dựng môi trường ánh sáng đúng tiêu chuẩn cho học sinh; tổ chức việc khám mắt và tật khúc xạ định kỳ. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cần quan tâm đến việc cân bằng thời gian học tập và vui chơi cho con em mình để tránh bệnh khúc xạ ở trẻ.

 

Nếu bị cận thị từ nhỏ và cha mẹ, anh chị em cũng có người bị cận thì có thể do di truyền. Tuy nhiên, bệnh không phải di truyền cho các đứa con. Về già độ cận có thể giảm đi, nếu không có thể dẫn đến xơ hóa võng mạc. Khi bị cận thị, cần đeo kính để mắt không phải điều tiết nhiều, dễ làm tăng độ. Kính sẽ giúp ảnh hội tụ đúng trên võng mạc. Người bị cận cần đeo kính đúng độ để hạn chế việc tăng độ nhanh và khi không làm việc có thể bỏ kính để mắt nghỉ ngơi. Hiện nay, các loại thuốc chưa thể làm ngắn bớt nhãn cầu nên chưa có thuốc chữa được bệnh cận thị.

Bác sĩ Đoàn Văn Hải

(Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cho bé làm quen với chuối
Thứ Hai, 06/02/2012 09:10 SA
Viêm não do não mô cầu
Thứ Hai, 06/02/2012 08:00 SA
Món cháo giúp phụ nữ đẹp hơn
Chủ Nhật, 05/02/2012 12:12 CH
Đậu đỏ chữa bệnh gan
Thứ Sáu, 03/02/2012 16:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek