Hỏi: Gần đây, tôi nghe nói có nhiều trường hợp bị bệnh truyền nhiễm viêm não do não mô cầu, một bệnh nặng, dễ tử vong. Đó có phải là một bệnh nhiễm mới, có thể điều trị và phòng ngừa được không?
Lê Thanh Liêm
(xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa)
Trả lời: Viêm não do não mô cầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh gây tổn thương nặng ở não, nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong có thể lên đến 50%.
N.meningitidis (gọi là não mô cầu, NMC) có 12 tuýp huyết thanh, trong đó 6 tuýp gây bệnh chủ yếu: A, B, C, W135, X và Y. Bệnh có thể xảy ra rải rác hoặc thành dịch. Ở châu Phi, tuýp A là tuýp gây bệnh chủ yếu, chiếm đến 80-85%. Viêm não do NMC là bệnh truyền nhiễm tương đối ít gặp. Từ năm 2001-2010 ở Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng hơn 650 ca bệnh, riêng năm 2011 ghi nhận 305 ca, bốn ca tử vong.
Vi khuẩn lây từ người sang người qua đường hô hấp. Tiếp xúc gần trong thời gian dài như hôn, dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn mặt; ở, làm việc chung phòng với người mang mầm bệnh; chăm sóc người bệnh là những điều kiện thuận lợi cho sự lây nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày.
NMC có thể cư trú bình thường ở vùng hầu họng người khỏe mạnh, ước tính khoảng 10-20% người mang vi trùng lành tính, tỉ lệ này có thể cao hơn ở những vùng có dịch. Bệnh xảy ra nhiều ở lứa tuổi trẻ em cho đến thanh thiếu niên.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, cứng cổ, sợ ánh sáng, lú lẫn, nôn mửa. Ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị sớm, tỉ lệ tử vong cũng từ 5-10%, chủ yếu xảy ra trong 24-48 giờ đầu. Khoảng 10-20% những người hồi phục bị di chứng điếc, suy giảm khả năng học tập. Bệnh cảnh nặng nhất là nhiễm trùng huyết do NMC, biểu hiện là các nốt tử ban trên da và suy tuần hoàn.
Viêm não do NMC có thể được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu như Penicillin, Ampicillin, Chloramphenicol và Ceftriaxone. Hiện đã có vắc xin phòng ngừa NMC từ loại đơn giá đến đa giá: A; C; B; A C và W; A, C, W135 và Y. Ở Việt Nam đang lưu hành loại vắc xin kết hợp tuýp A và C, hai tuýp được cho là gây bệnh chủ yếu ở châu Á.
Những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh, có thể uống kháng sinh dự phòng trong hai ngày. Chỉ định tiêm phòng vắc xin hay uống kháng sinh phòng ngừa, tùy các tình huống dịch tễ cụ thể tại từng ổ dịch.
BS Đoàn Văn Hải