Thứ Tư, 09/10/2024 17:16 CH
Thuốc giảm đau và cách dùng
Thứ Tư, 21/12/2005 10:38 SA

Đau là một triệu chứng thường gặp ở người bệnh. Đây là nguyên nhân chính làm cho bệnh nhân tự dùng thuốc hoặc tìm đến thầy thuốc.

 

Không nên lạm dụng thuốc giảm đau
Trong cuộc sống hàng ngày ta thường gặp đau đầu, đau lưng, đau khớp, đau vai, đau cơ và đau bụng. Nguyên nhân gây ra đau rất đa dạng và có nhiều loại khác nhau như: đau cấp tính, đau mạn tính, đau có nguồn gốc cơ quan, đau có nguồn gốc tâm lý, đau do nội tạng, đau dây thần kinh ngoại biên… Vì đau do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên việc dùng thuốc giảm đau phải hết sức thận trọng cho từng loại bệnh. Thuốc giảm đau chỉ điều trị được triệu chứng chứ không điều trị được nguyên nhân, nên bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau trong các bệnh thông thường, còn các trường hợp đau khác phải được sự hướng dẫn của thầy thuốc, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, có khi làm cho tình trạng của sức khỏe xấu hơn.

 

Thuốc giảm đau ngoài 2 nhóm chính là thuốc giảm đau trung ương và thuốc giảm đau ngoại biên còn có các thuốc giảm đau theo cơ chế khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc giãn cơ, thuốc an thần, thuốc giảm đau nhóm Vitamine B liều cao.

 

Thuốc giảm đau trung ương còn gọi là Opioid tức là các dạng thuốc phiện hoặc dẫn chất tương tự. Gọi là thuốc giảm đau trung ương vì thuốc tác động lên thần kinh trung ương và có đặc điểm chung là gây nghiện, gây ngủ. Thuốc chia làm 2 loại:

 

Thuốc giảm đau mạnh như: Morphin, Meperidin, Methadon, Fentanyl,… thường dùng trong các cơn đau cấp, đau dữ dội như: đau do chấn thương nặng, phẫu thuật, đau do ung thư.

 

Thuốc giảm đau trung bình như: Codein, Dextropropoxyphen…, được dùng trong các trường hợp đau vừa.

 

Thuốc giảm đau ngoại biên: Thường không có nguồn gốc dẫn chất thuốc phiện, đặc điểm không gây nghiện, gây ngủ. Có rất nhiều loại thuốc giảm đau ngoại biên:

 

- Thuốc chống viên Non Steroid như: Aspirin, Indomethacin, Diclophenac, Ibuprophen, Naproxen…

- Thuốc giảm đau hạ nhiệt như: Pracetamol, Noramidopyrin.

 

Để dùng thuốc giảm đau có hiệu quả, Tổ chức Y tế thế giới khuyên sử dụng theo 3 bậc:

 

Bậc 1: (Đau nhẹ và vừa) Thường dùng Aspirin hoặc Paracetamol. Nếu đau do viêm người ta dùng Ibuprophen, Diclophenac.

 

Bậc 2: (Đau nặng) Nếu dùng bậc 1 không giảm đau, có thể dùng Aspirin + Codein, Pracetamol + Dextropropoxyphen.

 

Bậc 3: (Đau dữ dội) Thường dùng các trường hợp chấn thượng nặng hoặc ung thư: Dùng Morphin hoặc các thuốc giảm đau khác.

 

Thuốc giảm đau nên dùng từ thấp đến cao, và có thể dùng phối hợp với các thuốc giảm đau phụ khác như thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co thắt (trong các trường hợp đau quặn). Tuy nhiên khi sử dụng thuốc giảm đau bậc 2 và 3 cần hết sức thận trọng vì đa số các thuốc này là các thuốc giảm đau trung ương trung bình và mạnh, đều là thuốc gây nghiện. Sử dụng nhóm thuốc này phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng bừa bãi.

 

Tóm lại, sử dụng thuốc giảm đau sẽ làm cho bệnh nhân bớt được triệu chứng đau, tránh căng thẳng lo âu, tuy nhiên thuốc chỉ làm giảm được triệu chứng tạm thời, vì vậy chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn và sau đó nên đi khám để chẩn đoán và điều trị nguyên nhân. Việc lạm dụng và sử dụng thuốc kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân.

BS CA KHẢI HIỆP

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek