Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây là triệu chứng bệnh nặng ở lứa tuổi này.
Ảnh minh họa: Internet
Khò khè là tiếng thở bất thường xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới (từ đoạn khí quản ngực đến các phế quản nhỏ). Đặc biệt, khò khè hay gặp ở trẻ dưới 2-3 tuổi.
Nguyên nhân khiến trẻ thở khò khè
Viêm tiểu phế quản (viêm các nhánh phế quản nhỏ ở tận cùng đường hô hấp) thường gây ra các đợt khò khè ở bé. Bệnh do virus, chủ yếu là virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Một nguyên nhân phổ biến khác là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (các thành phần dịch axit từ dạ dày đi ngược vào thực quản). Triệu chứng khò khè có thể xuất hiện ngay sau khi sinh, ở các bé có bất thường cấu trúc đường hô hấp. Phổ biến nhất là tình trạng mềm sụn thanh quản (sụn đỡ thanh quản chưa phát triển hoàn chỉnh). Lúc này thanh quản bị hẹp ở thì thở ra, gây khò khè. Việc hít phải dị vật cũng có thể gây ra hiện tượng khò khè.
Trẻ thở khò khè có thể là dấu hiệu của hen suyễn
Có tới 50% bé nhũ nhi có đợt khò khè trong năm đầu đời nhưng hầu hết các bé này đều không bị hen. Nguy cơ phát triển thành bệnh hen tăng cao hơn ở những bé có ít nhất 3 đợt khò khè trong vòng 12 tháng đầu, kèm theo các yếu tố nguy cơ như:
- Bố mẹ bị hen phế quản.
- Bé có cơ địa chàm (eczema). Bé bị bệnh chàm. Bé dị ứng với các dị nguyên như bụi nhà, nấm mốc…
Cần làm gì khi trẻ bị khò khè?
- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây là triệu chứng bệnh nặng ở lứa tuổi này.
- Khi trẻ bị khò khè kéo dài, dai dẳng (trên 4 tuần), cần cho trẻ đến khám ở bệnh viện chuyên khoa vì nhiều trường hợp cần phải làm nhiều xét nghiệm chuyên sâu để xác định chẩn đoán (chụp X-quang, siêu âm, đo hô hấp ký, chụp CT ngực, nội soi đường hô hấp, … )
Lưu ý, không nên tự ý dùng thuốc, kể cả các loại thuốc kháng sinh, long đàm, kháng viêm,… vì có thể sẽ không đạt hiệu quả tốt mà có khi còn làm trẻ khò khè nhiều hơn, bệnh nặng hơn.
Theo Giadinh.net.vn