Thứ Tư, 16/10/2024 03:33 SA
Cảnh báo bệnh lao đa kháng thuốc
Thứ Hai, 05/12/2011 14:00 CH

Việt Nam hiện xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới; xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu. Thực tế đáng lo ngại là một lượng lớn bệnh nhân nhiễm lao được phát hiện mắc cả HIV/AIDS. Báo Phú Yên phỏng vấn bác sĩ Hoàng Khắc Linh, Trưởng trạm chuyên khoa Lao Phú Yên về vấn đề này.

 

linh111205.jpg

Bác sĩ Hoàng Khắc Linh.

* Thưa bác sĩ, tình hình mắc bệnh lao tăng ở nhóm tuổi nào?

 

- Tỉ lệ lao phổi tăng nhanh ở nhóm người trẻ tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Số bệnh nhân lao tăng ở nhóm tuổi thanh niên là bởi tác động của mặt trái xã hội. Một bộ phận thanh niên sa ngã, đua đòi và tham gia hút chích, mại dâm khiến gia tăng việc mắc các bệnh xã hội, nhiễm HIV, bệnh lao. Tác động của dịch HIV/AIDS có nguy cơ làm cho tình hình bệnh lao ở nước ta thêm phức tạp, gánh nặng bệnh tật tác động mạnh đến kinh tế - xã hội đất nước.

 

* Nguyên nhân nào dẫn đến tỉ lệ bệnh nhân lao ngày một tăng, thưa bác sĩ?

 

- Theo nghiên cứu của Chương trình chống lao Quốc gia, trong những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân nhiễm HIV mắc lao tăng nhanh, nhất là tại các thành phố lớn. Nguyên nhân khác khiến bệnh lao ngày càng lan rộng là do thiếu hụt nhân lực y tế. Tỉ lệ bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chống lao chỉ 1,58/100.000 dân, trong khi tỉ lệ chung là 12 bác sĩ/100.000 dân. Một lượng lớn bệnh nhân lao tìm đến dịch vụ khám ban đầu ở cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện ngoài hệ thống phòng chống lao. Bên cạnh đó, một số trường hợp, người mắc lại tự chữa bệnh bằng thuốc bán trôi nổi ngoài thị trường nên không kiểm soát được.

 

Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh lao lan nhanh trong nhóm đối tượng là phạm nhân. Môi trường trại giam là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn lao phát tán vào không khí như yếu tố không thể thấy, thiếu ánh sáng, thiếu thông gió làm cho người lành dễ nhiễm vi khuẩn... Đối với các phạm nhân có HIV thì nguy cơ kết hợp hai bệnh này là rất lớn. Lao và HIV là hai bệnh thường gặp nhất ở trại giam. Người có HIV rất dễ bị nhiễm lao do giảm khả năng miễn dịch và lao là nguyên nhân gây tử vong đối với 30% số người nhiễm HIV.

 

Bệnh lao có nguy cơ gia tăng trong nhóm đối tượng là công nhân, người lao động trong điều kiện môi trường làm việc nặng nhọc, khói bụi và tiếng ồn… Nhiều lao động bị mắc lao đã giấu bệnh, không đi làm xét nghiệm bởi họ lo sợ bị kỳ thị. Mặt khác, do liệu trình điều trị lao kéo dài, cộng với người lao động chịu áp lực công việc và cường độ lớn. Ngoài thời gian quy định, nhiều người lao động còn làm thêm giờ, tăng ca, do vậy không điều trị đầy đủ, bỏ điều trị dẫn đến tỉ lệ bệnh tái phát cao, gây khó khăn cho điều trị cũng như khiến dịch lao lan rộng tại cộng đồng.

 

* Hiện tượng lao đa kháng thuốc gây ra những khó khăn gì trong công tác điều trị, thưa bác sĩ?

 

- Bên cạnh việc nhiều người nhiễm lao thì một lượng không nhỏ bệnh nhân mang trong mình lao đa kháng thuốc. Ở nước ta mỗi năm có khoảng 6.000 bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc. Tỉ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc chỉ là hơn 30%. Năm 1997, bệnh nhân lao đa kháng thuốc chiếm 2,3% trong số những người mắc lao, nhưng nay đã lên hơn 4%. Chi phí điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo về sự xuất hiện một loại lao siêu kháng thuốc.

 

benh-nhan-lao111205.jpg

Bệnh nhân lao được điều trị ở một cơ sở y tế - Ảnh: V.HOÀNG

* Ở Phú Yên tình hình bệnh lao như thế nào, ngành Y tế quan tâm trong công tác phòng, chống lao là gì?

 

- Trung bình mỗi năm Phú Yên phát hiện 820-880 bệnh nhân lao, trong đó có từ 520-560 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn lao. Đáng lưu ý là số lượng bệnh nhân lao đa kháng thuốc ngày càng cao, hiện chiếm 4% số bệnh nhân phát hiện. Bệnh nhân lao không kháng thuốc tỉ lệ điều trị khỏi 90-100%, nhưng đa kháng thuốc chỉ điều trị khỏi khoảng 30%. Phú Yên đang có sự phối hợp cao trong công tác phòng, chống lao/HIV; có tổ chống lao riêng tại trạm giam. Tuy nhiên, công tác phát hiện, phòng, chống lao nói chung gặp không ít khó khăn.

 

Trong khi các tỉnh lân cận rất chú trọng đến công tác phòng, chống lao với nhân lực và vật lực cao thì ở Phú Yên, số cán bộ chuyên trách lao chính thức ở tuyến tỉnh hiện chỉ có 7 người. Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là việc thu hút nhân lực chuyên ngành chưa cao; bác sĩ ở các bệnh viện đều thiếu, nhất là bác sĩ cho ngành Lao. Lao đa kháng thuốc ngày càng tăng và có xu hướng tăng cao, đòi hỏi cấp thiết Phú Yên phải có Bệnh viện Lao và bệnh phổi để có điều kiện làm kháng sinh đồ và không để bệnh nhân phải điều trị ở tuyến trên.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

VŨ HOÀNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek