Huyết áp cao thường gây ra các tai biến nghiêm trọng như tử vong và hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận, phình bóc tách động mạch chủ... Do đó mục đích chính của điều trị tăng huyết áp (THA) là để phòng ngừa những biến chứng này.
Đo huyết áp cho bệnh nhân tại Trạm Y tế An Hòa (huyện Tuy An). - Ảnh: T.THỦY
Hiện có trên 80 thuốc đang được sử dụng để điều trị THA theo nhiều cơ chế khác nhau. Trong sử dụng thuốc điều trị THA cần cân nhắc vài yếu tố trước khi điều trị như: mức độ THA, có hay không tổn thương cơ quan đích, có hay không biểu hiện lâm sàng bệnh tim và những yếu tố nguy cơ khác.
Những cân nhắc khi điều trị bằng thuốc: Hầu hết bệnh nhân nên dùng liều thấp lúc khởi đầu, tăng lên dần phụ thuộc vào tuổi, nhu cầu và đáp ứng với thuốc. Phác đồ tối ưu là dùng liều duy nhất có hiệu quả 24 giờ, ít nhất 50% hiệu quả tối đa giữ được đến cuối của 24 giờ. Thuốc tác dụng dài 24 giờ tốt hơn loại tác dụng ngắn vì nhiều lý do sau: Bệnh nhân tuân thủ tốt hơn với liều duy nhất trong ngày, sử dụng thuốc có hiệu quả hơn thì ít tốn kém hơn. Phác đồ gần đây cung cấp nhiều cách chọn lựa thuốc. Thuốc điều trị đối với hầu hết bệnh nhân (THA không biến chứng, giai đoạn 1 và 2) nên khởi đầu liều thấp nhất để ngừa tác dụng phụ tụt huyết áp quá nhiều hoặc quá đột ngột. Nếu huyết áp vẫn không kiểm soát được sau 1-2 tháng thì mới tăng liều.
Điều trị thuốc khởi đầu: Khi quyết định bắt đầu điều trị THA bằng thuốc và nếu không có chống chỉ định thì nên chọn thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế bêta bởi vì nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh 2 thuốc này giúp giảm bệnh suất và tử suất. Nếu đáp ứng với liều khởi đầu không hiệu quả sau khi đã cho liều tối đa, có 2 hướng điều trị tiếp.
Nếu bệnh nhân dung nạp thuốc khởi đầu tốt, thêm thuốc thứ hai khác nhóm. Nếu có tác dụng phụ đáng kể hoặc không đáp ứng, thay thế một thuốc khác nhóm.
Nếu lợi tiểu không phải là thuốc khởi đầu, thường chọn thuốc này ở bước 2 vì thuốc làm tăng hiệu quả của thuốc khác. Nếu thuốc thứ 2 thêm vào kiểm soát tốt huyết áp, có thể cân nhắc thử rút bớt thuốc điều trị khởi đầu. Trong mỗi bước điều trị, thầy thuốc nên xem xét những lý do có thể gây ra kém đáp ứng điều trị ở bệnh nhân nguy cơ cao.
Điều trị giảm dần: Sau khi THA được kiểm soát hiệu quả ít nhất 1 năm cần xét tới giảm liều và số lượng thuốc chống THA. Giảm liều được thực hiện thận trọng, chậm và từ từ. Giảm liều thường thành công ở bệnh nhân có điều chỉnh lối sống tốt. Bệnh nhân ngưng thuốc phải được theo dõi định kỳ vì huyết áp có thể tăng trở lại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi ngừng thuốc, đặc biệt ở bệnh nhân không thực hiện chế độ điều chỉnh lối sống. Hạ thấp huyết áp tâm trương quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ tai biến mạch vành do giảm áp lực tưới máu tâm trương trong tuần hoàn mạch vành.
THA kháng thuốc: THA kháng thuốc khi huyết áp không giảm dưới 140/90mmHg ở bệnh nhân đã tuân thủ điều trị chặt chẽ và sử dụng 3 thứ thuốc thích hợp bao gồm thuốc lợi tiểu với liều lượng 3 thuốc gần liều tối đa. Đối với người già THA tâm thu đơn độc, kháng thuốc là đã dùng 3 thuốc đầy đủ mà HA tâm thu không dưới 160mmHg. Tuy nhiên, nếu huyết áp mục tiêu không thể đạt được đồng thời cũng không có tác dụng phụ nghiêm trọng thì việc giảm huyết áp dưới tối ưu cũng góp phần giảm bệnh suất và tử suất.
Cơn THA: THA cấp là tình huống cần phải hạ huyết áp tức thì để ngăn ngừa hoặc hạn chế tổn thương cơ quan đích. Những tổn thương bao gồm bệnh não do THA, xuất huyết nội sọ, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, suy tim trái cấp kèm phù phổi, phình bóc tách động mạch chủ hoặc động kinh. THA cấp là tình huống cần hạ huyết áp trong vài giờ.
Hầu hết THA cấp cứu được điều trị ngay bằng thuốc đường tĩnh mạch thích hợp. Thuốc thích hợp gồm thuốc lợi tiểu quai, chẹn bêta, ức chế men chuyển, thuốc ức chế alpha-2 và chẹn kênh calcium.
Dự án Phòng, chống tăng huyết áp Quốc gia năm 2011.
TS. PHẠM QUỐC KHÁNH
(Viện Tim mạch Việt Nam)