Thứ Năm, 03/10/2024 07:27 SA
Bảo tồn và sử dụng cây thuốc nam:
Những giải pháp để phát triển bền vững
Thứ Hai, 26/09/2011 10:00 SA

Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên vừa tổ chức hội thảo chuyên đề về cây thuốc nam, trong đó chú trọng vấn đề đưa ra những giải pháp phát triển bền vững loại dược liệu này. Từ đó, những bài thuốc hay, những cây thuốc quý sẽ được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong nhân dân với phương châm: thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ.

 

rieng110926.jpg

Sơ chế củ riềng để làm thuốc chữa bệnh - Ảnh: T.THỦY

SỬ DỤNG CHƯA NHIỀU

 

Theo điều tra của Viện Dược liệu Trung ương cách đây 25 năm, Phú Yên có 738 loại cây thuốc nam và thuốc di thực. Tuy nhiên, do nạn phá rừng làm rẫy, thu hái không chú trọng đến bảo tồn nguồn giống nên đã làm cạn kiệt nhiều cây thuốc quý.

 

Những năm gần đây, Trung tâm nghiên cứu và sử dụng dược liệu miền Trung nhiều công ty sản xuất đông dược các tỉnh đã đến Phú Yên triển khai trồng và bào chế, sản xuất dược liệu hoặc hướng dẫn cho người nông dân trồng hoặc bao tiêu sản phẩm theo mô hình tập trung, có quy mô khá lớn. Nhiều cây thuốc như diệp hạ châu, tần dày lá, dừa cạn, sa nhân… đang trồng với diện tích ngày càng tăng.

 

Tại tỉnh, chủ yếu các thầy thuốc đông y trồng thuốc nam để sử dụng, nên chủng loại và diện tích còn ít, mỗi năm thu hái khoảng 4.000 tấn dược liệu để sử dụng và bán. Phần lớn người trồng là những thầy thuốc chuyên sử dụng thuốc nam được thừa kế từ gia đình và những người dân sưu tầm từ sách vở, các phương tiện truyền thông. Theo thạc sĩ Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, người dân biết tác dụng phòng và chữa bệnh của các cây thuốc còn quá ít. Họ chỉ dùng thuốc nam để xông giải cảm hoặc để chữa những bệnh thông thường như dùng cây mơ lông chữa kiết lỵ; tâm sen, lá vông chữa mất ngủ; rễ lá lốt, cây xấu hổ chữa đau nhức; rau ngót chữa tưa lưỡi trẻ nhỏ… Nhiều trạm y tế, trường học trong mấy năm gần đây phát động trồng và phục hồi lại vườn thuốc nam. Song, một số trạm y tế chưa có cán bộ y học cổ truyền hoặc nếu có thì sử dụng thuốc nam chưa thành thạo, nên việc trồng thuốc chỉ để thêm tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về y tế là chính, mà ít chú trọng đến hiệu quả chữa bệnh cho nhân dân.

 

NHỮNG GIẢI PHÁP

 

Bác sĩ Lê Bá Thính, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, cho biết: “Xu hướng sử dụng thuốc thảo dược có nguồn gốc tự nhiên để phòng, chữa bệnh ngày càng được chú trọng. Việc phát triển dược liệu từ cây thuốc nam có tầm quan trọng rất lớn. Bệnh viện đang thực hiện một công trình nghiên cứu bảo tồn và sử dụng thuốc nam”.

 

Có thể nói, thời gian qua ở Phú Yên, việc điều tra, trồng, khai thác thuốc nam đã đạt được những kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển loại thuốc này một cách bền vững thì cần có những giải pháp đồng bộ. Tại hội thảo mới đây, thạc sĩ Lê Văn Thức cho rằng: Cần có cuộc điều tra tổng thể tình hình thuốc nam trong phạm vi toàn tỉnh để nắm lại số loại cây thuốc tự nhiên, cây thuốc đang trồng, trữ lượng và diện tích trồng của mỗi loại; kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các thầy thuốc và nhân dân. Tiếp đó, tỉnh phải có kế hoạch bảo tồn cây thuốc tự nhiên. Ngành Y tế và Lâm nghiệp tiến hành điều tra và bảo tồn nguyên vị tất cả những cây thuốc quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng; giáo dục cho nhân dân, nhất là những người đang thu hái dược liệu biết khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên để bảo tồn nguồn giống những cây thuốc quý. Song song với đó, các thầy thuốc đông y tiếp tục sưu tầm những cây thuốc mới, những bài thuốc có hiệu quả trong nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc ít người để đánh giá và ứng dụng.

 

Theo PSG. TS. Lê Lương Đống (Học viện Y Dược học cổ truyền Trung ương). Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền trước tiên phải phục vụ thiết thực cho nhu cầu chữa bệnh, tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Một giải pháp không kém quan trọng là cần đẩy mạnh và phân vùng trồng cây thuốc nam. Tỉnh phải có kế hoạch phân vùng, nghiên cứu những cây thuốc thiết yếu, quý hiếm, có giá trị chữa bệnh để đưa vào trồng, cung cấp cho nhu cầu tại chỗ, bán ra các tỉnh bạn và xuất khẩu. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích việc nuôi trồng dược liệu như giao đất, hỗ trợ vốn… Đẩy mạnh công tác kiểm tra dược liệu; tăng cường quản lý những người khám bệnh đông y để chống tình trạng lạm dụng thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

 

DƯƠNG THU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek