Hỏi: Vừa rồi tự nhiên tôi bị đi tiểu ra máu, đi siêu âm, không thấy sỏi. Như vậy tôi có thể bị bệnh gì, cần làm gì thêm?
Trần Đình Thống (phường 6, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Các nguyên nhân gây đái ra máu gồm: khối u ở hệ tiết niệu, nhất là khối u ở bàng quang; sỏi đường tiết niệu; bệnh cầu thận; phản ứng phụ của thuốc. Lưu ý, sỏi và khối u không loại trừ lẫn nhau, rất nhiều trường hợp có cả 2 bệnh.
Để chẩn đoán nguyên nhân của chứng đái máu, đầu tiên bác sĩ phải hỏi bệnh rất kỹ để định hướng rồi cho làm một số xét nghiệm kiểm tra:
- Nghiệm pháp 3 cốc: người bệnh đi tiểu trong 3 cái ly. Nếu nước tiểu đỏ đồng đều trong cả 3 ly: máu chảy từ thận, nếu nước tiểu ở ly thứ ba đậm màu hơn: máu chảy từ bàng quang, nếu ly thứ nhất đậm màu hơn: máu chảy từ niệu đạo sau cổ bàng quang.
- Chụp X quang bụng để phát hiện sỏi cản quang ở bất kỳ vị trí nào. Siêu âm không thể thay thế cho việc này.
- Siêu âm thận và bàng quang đặc biệt hữu hiệu để chẩn đoán những khối u đặc trong mô thận, sỏi ở đài thận, bể thận, sỏi nằm ở hai đầu niệu quản và u bàng quang. Tuy nhiên, siêu âm không hoàn toàn chắc chắn vì hình cắt của siêu âm không giáp mí nhau nên đoán nhận tùy người sử dụng máy. Máy “mù” suốt lộ trình niệu quản, trừ ở hai đầu.
- Chụp điện toán cắt lớp (CT) là xét nghiệm ưu thế nhất để chẩn đoán u và sỏi; nhất là loại sỏi không cản quang.
- Xét nghiệm nước tiểu: xem hình thái hồng cầu có thể có gợi ý: hồng cầu nguyên dạng, thường do sỏi, do khối u, do lao; hồng cầu phần lớn bị biến dạng, teo nhỏ thường là bệnh của cầu thận, thường kèm theo có protein trong nước tiểu.
Một số thuốc kháng sinh thường dùng (như Ciprofloxacin) có thể gây phản ứng phụ là đái ra máu, sẽ hết khi ngưng thuốc. Trong thực tế thăm khám lâm sàng, hỏi kỹ quá trình bệnh, xem tình trạng chung, các thuốc đã uống… đã giúp bác sĩ định hướng nhiều cho chẩn đoán. Chọn lựa các xét nghiệm sẽ giúp loại trừ hay khẳng định một chẩn đoán. Cũng có trường hợp đái máu không tìm thấy nguyên nhân, chỉ thoáng qua một hai lần rồi thôi, cần được theo dõi thêm.
BS Đoàn Văn Hải