Thứ Sáu, 29/11/2024 09:31 SA
Phụ huynh chú ý phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Thứ Hai, 29/08/2011 09:00 SA

Hiện nay trên địa bàn nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh ở phía nam, bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp. Tính đến trung tuần tháng 8, cả nước có trên 35.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 85 trường hợp tử vong.

tay-chan-mieng-1110829.jpg

Biểu hiện rõ nhất của bệnh tay chân miệng ở trẻ là các tổn thương ở lòng bàn chân - Ảnh: V. HOÀNG

Theo đánh giá của các chuyên gia, virus gây bệnh tay chân miệng năm nay có nhiều trường hợp do Enterovirrus 71 (EV71). Đây là týp virus thường gây nên các biến chứng rất nặng, tỉ lệ tử vong khá cao nếu không được điều trị và chăm sóc đặc biệt.

Bệnh thường biểu hiện: sốt, có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có khi sốt 39-40oC; đau họng, chảy nước bọt liên tục; biếng ăn hoặc bỏ ăn; khó ngủ, quấy khóc, giật mình nhiều một cách bất thường; có các tổn thương đặc hiệu ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân (các vết bỏng nước, vết loét ở miệng, niệm mạc má, lòng bàn tay, bàn chân…).

Mặc dầu bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp phòng chống thì sẽ khống chế không cho bệnh lây lan, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng do bệnh gây ra.

Đây là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ và học sinh nên việc phòng chống bệnh phụ thuộc rất nhiều vào các bậc phụ huynh. Để phòng chống bệnh các bậc phụ huynh cần lưu ý thực hiện tốt các khuyến cáo sau:

Đối với trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh flan, tàu hủ đường…

Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4-5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.

Phòng ngừa lây lan bệnh bằng các biện pháp: Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi mặc, thay tả, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh; rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn; cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng; nếu là học sinh nên cho trẻ nghỉ học 10-14 ngày; ở những lớp có nhiều học sinh mắc bệnh nên cho cả lớp nghỉ để tránh lây lan, vệ sinh lớp học bằng dung dịch sát khuẩn…

Nếu tất cả mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh thực hiện tốt các biện pháp nói trên thì chắc chắn chúng ta sẽ khống chế thành công dịch bệnh tay chân miệng. Có thể nói rằng chìa khóa phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ nằm trong tay các bậc phụ huynh.

BS NGUYỄN VINH QUANG

GĐ Trung Tâm TTGDSK Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek