Thứ Bảy, 05/10/2024 16:28 CH
Ẩn họa từ những dịch vụ ăn uống vỉa hè
Thứ Hai, 06/06/2011 08:00 SA

Các chuyên gia y tế cho biết, khí hậu nắng nóng của mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển, đặc biệt là các loại vi khuẩn gây bệnh về đường ruột. Tuy nhiên, thời điểm này các dịch vụ ăn uống, giải khát vỉa hè nở rộ, trong khi chất lượng các dịch vụ rẻ tiền này là vấn đề đáng lo ngại đối với người tiêu dùng.

 

an-2110606.gif

Các quán ăn di động kiểu này khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm- Ảnh: N.XUÂN

 

“HÃI” VỚI QUÁN ĂN VỈA HÈ

 

Sau 16 giờ, trên các đường phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Trung Kiên, Hùng Vương, Lê Duẩn, Bạch Đằng… (TP Tuy Hòa), các quán ăn, nước giải khát vỉa hè lại xuất hiện. Các quán này có giá bán rẻ, thoáng mát nên thu hút một lượng lớn khách. Đối tượng sử dụng dịch vụ này khá phong phú, từ học sinh, sinh viên, công nhân đến công chức nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn các quán này đều chưa chú ý nhiều đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

 “Trang thiết bị” của quán chỉ nằm gọn trên một chuyến xe ba gác, bao gồm vài ba cái bếp lò than, một số nồi đựng thức ăn, một ít chén, đũa, muổng, mắm, gia vị và 2 thùng nước với 2-3 cái thau nhỏ dùng để rửa chén. Gọi là “rửa chén” nhưng từ đầu đến cuối buổi cũng chỉ có 2 thau nước nhỏ, đầy váng mỡ và bọt xà phòng. Những lúc đông khách, từng loạt, từng loạt chén vẫn được tráng rửa qua loa rồi nhanh chóng đưa lên bàn, sẵn sàng phục vụ “thượng đế”. Chủ quán phải tiết kiệm nước vì nhà xa, chỉ có thể chở theo 2 thùng nước cho tất cả các công đoạn: rửa chén, rửa tay và cả… nước uống cho khách. Một số quán ốc còn “chu đáo” chuẩn bị cho khách một cái khăn để lau tay sau khi ăn. Hàng trăm vị khách nhưng chỉ có 1 cái khăn, đôi khi chủ quán tiện tay thì dùng luôn khăn đó để… lau bàn hoặc lau đĩa, muỗng ướt. Cạnh đó, các điểm bán chả viên chiên, bò viên chiên di động thì vô tư sử dụng loại dầu rẻ tiền, được dùng đi dùng lại nhiều lần đến khét lẹt để chiên chả cho khách; chưa kể nguồn gốc, chất lượng các loại chả cá, chả bò cũng rất khó xác định.

 

Phần nhiều người tiêu dùng dù biết sự nguy hại của vệ sinh không an toàn nhưng vẫn “nhắm mắt làm ngơ”. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Phú Yên cho biết: “Mỗi người có một cơ địa khác nhau. Có người cũng ăn những thức ăn đó không sao, nhưng người khác ăn sẽ gây bệnh, có người phát bệnh ngay nhưng cũng có người ủ bệnh trong người… Do đó, cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất là không ăn thức ăn lạ, chỉ nên ăn ở những quán sạch sẽ, có uy tín và chất lượng”.

 

CƠ QUAN CHỨC NĂNG KHÓ KIỂM SOÁT

 

Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Phú Yên, toàn tỉnh có khoảng 6.900 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó phần nhiều là những quán ăn nhỏ lẻ, không có tên quán, không đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống và chỉ bán trong một thời điểm nhất định (thường là buổi chiều tối); không nằm trong diện phải cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định. Do đó, các cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm tra, kiểm soát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, những tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phần nhiều còn bị bỏ ngỏ.

 

Trong đợt kiểm tra mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa đã  kiểm tra 164/683 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, phát hiện 28 cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều cơ sở khác vi phạm về điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm như không có nguồn nước sạch; không có dụng cụ gắp thức ăn riêng biệt; nơi chế biến thức ăn gần nguồn ô nhiễm như các ống cống, hố gas; người chế biến thức ăn không được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, không được khám sức khỏe định kỳ, không có khẩu trang, tạp dề khi chế biến thức ăn; thức ăn không được bỏ vào tủ kính; không có dụng cụ đựng chất thải…

 

Ông Nguyễn Văn Tâm, cho biết: “Một số điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có đăng ký làm giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng do hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, nên không đủ các điều kiện cấp giấy. Thay vì cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ này ký bản cam kết đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu các cơ sở này thực hiện đúng cam kết. Chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vỉa hè, hạn chế tình trạng kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”.

 

 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 4 ca nhiễm bệnh lỵ amip, 16 ca nhiễm lỵ trực trùng và 366 ca tiêu chảy (chưa kể lượng người bị bệnh liên quan nhưng tự điều trị tại nhà). Nguyên nhân lây bệnh thường là do không chú ý trong tiếp xúc, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, người nhiễm bệnh lỵ trực trùng nếu không được điều trị, dễ gây một số biến chứng như sốt do mất nước, thủng ruột, viêm nhiễm các cơ quan khác như viêm kết mạc mắt, viêm phổi, viêm thần kinh ngoại biên, nhiễm trùng máu; suy dinh dưỡng, suy kiệt cơ thể, viêm khớp và tạo tiền đề cho nhiều bệnh mãn tính về sau.

PHẠM MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek