Màu sắc của món ăn, thức uống đóng vai trò đáng kể kích thích vị giác của người sử dụng. Vì vậy trong các gia đình, nhà hàng, quán ăn…, người chế biến có xu hướng tạo ra các món ăn đa màu sắc, hấp dẫn. Nhưng sử dụng phẩm màu chế biến món ăn như thế nào để đảm bảo an toàn cho người sử dụng là điều băn khoăn của nhiều người.
Dùng màu tự nhiên trong thực phẩm sẽ tốt cho sức khỏe. - Ảnh: T.THỦY
Theo ủy ban chuyên môn về phụ gia thực phẩm (PGTP) của các tổ chức quốc tế FAO/WHO thì phẩm màu thực phẩm được xếp thành ba loại: Phẩm màu nguồn gốc vô cơ (loại này không được dùng cho thực phẩm, ngoại trừ đồng sulphat, titan dioxit, oxit sắt được dùng để giữ màu cho hoa quả); phẩm màu hữu cơ tự nhiên (là các chất màu trong thực vật như màu gấc, nghệ, dành dành, điều nhuộm, lá nếp, lá diễn) dùng để nhuộm màu cho thực phẩm rất tốt, khi dùng không giới hạn; phẩm màu hữu cơ tổng hợp (cần chú ý khi sử dụng, tỉ lệ dùng trong giới hạn cho phép).
Phẩm màu dùng vào thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu như: không gây độc hại sau một thời gian sử dụng bằng đường tiêu hóa; phải đồng nhất và thuần khiết, không được lẫn với những sản phẩm không cho phép; không được chứa tạp chất và kim loại nặng (Crom, Seleni, Urani…). Khi sử dụng phẩm màu để chế biến thực phẩm cần sử dụng các phẩm màu đã được kiểm tra rõ nguồn gốc, đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Các sản phẩm thực phẩm có sử dụng phẩm màu phải ghi rõ tên phẩm màu và liều lượng sử dụng.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, những người chế biến thực phẩm nên cân nhắc về việc sử dụng phẩm màu. Tốt nhất là sử dụng các phẩm màu hữu cơ tự nhiên như dùng gấc để nấu xôi gấc, lá gai làm cho bánh ít có màu đen, nghệ để tạo màu vàng cho món ăn, dùng bắp cải, súp lơ, cà chua, carốt để chế biến các món ăn đa màu sắc vừa đẹp, vừa bắt mắt lại bổ dưỡng… Trong trường hợp bắt buộc phải dùng phẩm màu hữu cơ tổng hợp thì phải sử dụng các phẩm màu được phép sử dụng, với số lượng theo hướng dẫn và quy định của cơ quan chức năng.
Bác sĩ NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe