Thứ Tư, 02/10/2024 15:28 CH
Trước nguy cơ bệnh thủy đậu bùng phát thành dỊch:
Cần chủ động phòng bệnh
Thứ Hai, 04/04/2011 07:00 SA

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, hiện Phú Yên đã ghi nhận hơn 70 ca mắc bệnh thủy đậu (bệnh trái rạ), cao gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm 2010. Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng.

tim-phong110404.jpg

Tiêm phòng bệnh thủy đậu tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh - Ảnh: T.THỦY


BỆNH LÂY LAN NHANH

Chắc chắn số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu trong cộng đồng còn cao hơn nhiều so với con số hơn 70 ca mà ngành y tế đã ghi nhận trên địa bàn tỉnh. Rải rác ở một số trường học, nhà trọ, ký túc xá học sinh đã xuất hiện bệnh nhân bị thủy đậu. Tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và Trung tâm Da liễu Phú Yên đều có bệnh nhân thủy đậu đến khám và số lượng điều trị ngày càng tăng. Lứa tuổi mắc nhiều nhất là trẻ em từ 5-11 tuổi. Năm nay, người lớn cũng mắc bệnh này và bệnh thường nặng: người bệnh thường sốt cao 39-40oC, có người còn trằn trọc, mê sảng; nốt phỏng dày hơn có khi có máu.

Nóng ruột khi biết các bạn cùng học lớp con mình bị mắc thủy đậu, nên chị Lê Thị Xuân, ở TP Tuy Hòa đã đưa con mình đi tiêm ngừa vắc xin thủy đậu. Chị nói: “Giá tiêm vắc xin thủy đậu hơi cao, nhưng tiêm phòng thì yên tâm hơn”. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2011 đến nay số lượt người đi tiêm phòng bệnh thủy đậu tăng lên đáng kể. Đã có hơn 120 lượt người, trong đó có 90 lượt trẻ em tiêm ngừa thủy đậu. Tại các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, số lượt người tiêm ngừa thủy đậu cũng tăng.

Bác sĩ Lê Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Da Liễu Phú Yên cho biết: “Bệnh thủy đậu thường triến triển lành tính, trừ những thể có biến chứng (rất hiếm). Biến chứng thường gặp là bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, hoặc viêm phổi, viêm não thủy đậu… Có thể sử dụng Acyclovir (uống và bôi tại chỗ) để giảm mức độ nặng của bệnh, tốt nhất là sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện nốt đậu. Gần đây đã có một số trường hợp thủy đậu ở người lớn có biểu hiện nặng.”

CHỦ ÐỘNG PHÒNG BỆNH

Sau một thời gian ủ bệnh chừng 10-23 ngày thì bệnh phát. Các nốt đậu mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2-3 ngày, do đó ở cùng một vùng da, có thể gặp đủ loại nốt đậu với độ tuổi khác nhau. Bệnh thủy đậu tiến triển trong khoảng 10-15 ngày rồi tự khỏi. Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, hay lây qua đường hô hấp (từ nước bọt, hắt hơi, dịch tiết từ mũi - họng của người bệnh). Thời gian lây bệnh thường kéo dài. Người bị bệnh thủy đậu có khả năng lây nhiễm cho người khác từ 1-2 ngày trước khi phát ban, cho đến khi những nốt phỏng nước của người bệnh khô vảy hoàn toàn, vẫn còn khả năng lây nhiễm.

Do đó nếu người nhà bị bệnh thì mọi người sống trong nhà cũng có thể đã bị lây bệnh. Tiêm ngừa bệnh thủy đậu là việc nên làm, vì đây là phương pháp phòng ngừa chủ động, còn các phương pháp khác như: cách ly, không tiếp xúc với người mắc bệnh, đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi thì lúc nào đó cũng sẽ phải tiếp xúc với virus thủy đậu. Thời gian vắc xin có hiệu lực là 3 tuần sau khi tiêm và thời gian miễn dịch (không mắc bệnh) kéo dài trung bình 15 năm.

Phụ nữ có thai trong nửa đầu của thai kỳ nếu mắc thủy đậu thì bào thai có thể bị dị dạng; nếu trước sinh một tuần lỡ người mẹ bị mắc thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong. Đối với phụ nữ 3 tháng sau khi tiêm ngừa vắc xin thủy đậu mới được mang thai, còn khi đang có thai mà bị nhiễm vi rút thủy đậu hay đang sống trong vùng có dịch bệnh thủy đậu thì nên đến khám tại các bệnh viện phụ sản để được theo dõi và điều trị thích hợp.                  

Để phòng bệnh và giảm các biến chứng, cần chú ý: Trẻ bệnh phải được cách ly, theo dõi tại một cơ sở điều trị (trạm y tế xã, phường) trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vẩy; trẻ ốm phải nghỉ học 7-10 ngày. Trước khi cho trẻ trở lại lớp học, nhớ tắm gội sạch vẩy. Những người chăm sóc trẻ ốm phải mang khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng, phải rửa sạch tay bằng xà phòng. Áo quần, khăn mặt... người ốm cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng.

Giữ cho da của trẻ luôn sạch sẽ: giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay; trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, xoa bột tan (talc) hoặc phấn rôm vô khuẩn khắp người để trẻ đỡ ngứa; tránh gãi vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, bội nhiễm vi khuẩn; nhỏ mắt, mũi bằng thuốc sát khuẩn, hạ sốt bằng paracetamol, bôi kem acyclovir 5% để giảm ngứa, hạn chế thương tổn và bội nhiễm. Khi nốt phỏng vỡ, bôi thuốc xanh methylen để bớt nhức, làm se nốt, và ngừa bội nhiễm vi khuẩn; không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ. Để phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.

VINH QUANG - NGUYÊN NHẠN

 
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
10 lợi ích của mít
Chủ Nhật, 03/04/2011 17:00 CH
Thức ăn khắc phục khàn tiếng
Thứ Tư, 30/03/2011 10:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek