Không ít người vẫn thường nghĩ, thuốc Đông y là hoàn toàn lành tính vì được làm từ cỏ cây, không gây hại.
Ảnh internet
Vì thế nhiều người vẫn cắt thuốc
Quan niệm sai lầm
Ở các vùng nông thôn, rất ít có phòng khám Đông y chính thống nhưng lại có nhiều “thầy vườn” không có chứng chỉ hành nghề mà vẫn khám bệnh, kê thuốc theo kinh nghiệm hoặc tự học ở đâu đó. Việc thăm khám được thực hiện hết sức sơ sài, thường các thang thuốc bổ được đóng gói sẵn theo từng loại, chỉ cần đến khai muốn bổ tim, gan, hay phổi… là có ngay thuốc mang về.
Nhiều người còn nhờ người khác đi lấy thuốc giùm, có khi chọn một loại thuốc về cho… cả nhà cùng uống để tẩm bổ! Hay có người uống thấy… khỏe, thế là toa thuốc đó nhanh chóng được lan truyền. Chính những quan niệm sai lầm trên mà đã có nhiều trường hợp dẫn đến ngộ độc. Ngoài ra, thói quen uống thuốc dễ dãi còn tạo điều kiện cho các lang băm lạm dụng để kiếm lời bằng những loại thuốc không đảm bảo chất lượng và tính an toàn.
Coi chừng ngộ độc
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa – Hội Dược liệu TP.HCM, cho biết: “Đã là thuốc thì phải dùng cho đúng, nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là những sản phẩm Đông dược lưu hành trên thị trường không rõ nguồn gốc”.
Theo quan niệm của Đông y thì bệnh là tà khí, khi nó vào cơ thể, gây tổn thương mức độ nào thì phải xác định rõ để nhẹ nhàng tìm cách đưa “nó” ra ngoài. Vì vậy, để cắt thuốc đúng người, đúng bệnh, đúng liều lượng, mọi thầy thuốc chính thống đều phải dùng tứ chẩn: quan sát, lắng nghe, hỏi han triệu chứng và xem mạch. Chỉ duy triệu chứng mệt mỏi cũng có thể do nhiều nguyên nhân, khí suy hay huyết suy, tạng phủ nào suy yếu...
Khi đã tìm ra đúng bệnh, đúng thuốc, vẫn phải rất dè dặt, thăm khám thường xuyên, giữ mối liên hệ thầy thuốc với bệnh nhân để theo dõi vì cơ địa mỗi người mỗi khác, rất khó để đưa ra được phương thuốc chính xác ngay từ đầu. Việc uống thuốc theo toa của người khác hoặc nhờ mua thuốc giùm là chuyện may rủi. Nếu toa thuốc không hợp thì không những không có tác dụng chữa bệnh mà nguy hiểm hơn, có thể gây ngộ độc.
Trước khi sử dụng một loại dược liệu nào, kể cả những kinh nghiệm lưu truyền từ ông bà để lại, thầy thuốc cũng phải rất thận trọng, chỉ sử dụng thuốc khi đã có công trình nghiên cứu về tác dụng gây độc cấp diễn và trường diễn của nó. Có nhiều vị thuốc tác dụng rất tốt và được sử dụng phổ biến, nhưng chỉ cần dùng “lố” liều lượng một chút đã biến thành thuốc độc.
Đã từng có bệnh nhân uống thuốc Nam bổ gan được khoảng một tuần thì toàn thân tím tái, mặt xám xịt, sau đó phải dùng thuốc giải độc liên tục trong 10 ngày mới dần dần trở lại bình thường. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, cũng có không ít bệnh nhân uống thuốc bổ Đông y vào thì ăn ngủ rất khỏe và cân nặng tăng vọt. Nhưng tháng sau đã thấy mặt có dấu hiệu sưng và bắt đầu teo cơ, bắp tay bắp chân mềm nhão. Kết quả phân tích phát hiện trong thang thuốc bệnh nhân sử dụng có thành phần của corticosteroit, một loại thuốc kháng viêm có tác dụng phụ là trữ nước trong cơ thể, làm tăng cân nhanh. Nhiều người đã lạm dụng đặc tính này, đánh vào tâm lý muốn tăng cân và sự dễ dãi khi dùng thuốc Đông y của nhiều người để trục lợi bất chính.
“Muốn dùng thuốc đúng, cần phải hết sức thận trọng, thăm khám kỹ càng và uống thuốc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc” - lương y Nghĩa nói.
Theo PNO