Từ sâu thẳm đáy lòng, tôi viết về sếp (giám đốc bệnh viện chúng tôi), như một lời từ biệt thân kính mà tất cả cán bộ, công nhân viên chức bệnh viện muốn dành cho sếp, khi ông đã đến tuổi nghỉ hưu.
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ Lê Văn Thức (thứ hai, từ trái qua) - Ảnh: T.THỦY |
Hơn chục năm trước, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) là một điểm nóng của ngành Y tế tỉnh nhà. Bộ Y tế kiểm tra cuối năm, bệnh viện xếp vào hạng áp chót trong các bệnh viện YHCT toàn quốc. Đúng thời điểm đó thì giám đốc mới - sếp của chúng tôi bây giờ, được điều chuyển về bệnh viện. Những công việc mà sếp cùng ban giám đốc bệnh viện triển khai thật đáng ghi nhớ.
Đầu tiên là các cuộc đối thoại trực tiếp giữa công nhân viên chức (CNVC) với lãnh đạo. Sếp đề nghị cán bộ chủ chốt tự đánh giá lại mình để kiểm điểm cuối năm bằng hình thức mới. Năm đó, ngoài việc kiểm điểm như hướng dẫn của cấp trên, sếp tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp giữa CNVC với các cán bộ chủ chốt. Tất cả những thắc mắc, phê bình, kiến nghị, đề xuất của quần chúng liên quan đến cán bộ nào đều được cán bộ ấy giải trình. Ai có thành tích thì biểu dương, ai có khuyết điểm thì nhắc nhở, bị trừ điểm thi đua. Sau lần đó, mỗi tháng một lần, trong cuộc họp trong cán bộ chủ chốt, 3 tháng một lần họp toàn thể cán bộ CNVC bệnh viện, đều có nội dung đối thoại giữa cán bộ với viên chức. Những ý kiến phản hồi về tinh thần, thái độ của cán bộ CNVC từ người nhà bệnh nhân và bệnh nhân qua đường dây nóng, qua thùng thư góp ý, phiếu thăm dò; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ CNVC; chi tiêu nội bộ, khen thưởng, kỷ luật trong bệnh viện… được đối thoại, giải đáp, phân tích, góp ý một cách thẳng thắn, nghiêm túc trong các cuộc họp như thế. Một số cán bộ thiếu gương mẫu bị phê bình thì phản ứng, một số viên chức làm việc không đến nơi đến chốn thì bất bình. Song chỉ trong một thời gian ngắn, những khiếu nại, thắc mắc giảm hẳn, sự đồng thuận, thống nhất, đoàn kết trong bệnh viện chuyển biến rõ rệt.
Việc thứ hai sếp làm là đầu giờ giao ban buổi sáng, sếp phân công trong ban giám đốc đi thăm tất cả bệnh nhân mới vào bệnh viện điều trị nội trú ngày hôm trước; mỗi tuần một lần, lãnh đạo xuống trực tiếp thăm khám, kiểm tra bệnh nhân các khoa nội trú một ngày. Việc làm đó được duy trì thường xuyên gần 10 năm ông làm giám đốc. Ngoài ra, việc duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, bình bệnh án, báo cáo chuyên đề… được tiến hành đều đặn, đã từng bước nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh nhân, được bệnh nhân ngày càng tin tưởng, tín nhiệm.
Việc thứ ba sếp triển khai là thay đổi phương pháp tuyển chọn nhân viên mới. Theo hướng dẫn của trên, bệnh viện chúng tôi chỉ có chức năng sơ tuyển nhân viên sơ cấp trở xuống trình lên trên mới được chính thức ký hợp đồng làm việc. Từ khi sếp về, tất cả các trường hợp nhận người mới đều công bố công khai và tùy theo đối tượng mà có phương pháp sơ tuyển một cách thích hợp. Tôi còn nhớ hồi bệnh viện thiếu một nhân viên cấp dưỡng. Trong giao ban bệnh viện, sếp công bố, ai có bà con, bạn bè muốn làm cấp dưỡng thì nộp đơn tại phòng tổ chức, sẽ thi tuyển hẳn hoi, đề thi do giám đốc ra. Sáng hôm thi, trưởng phòng tổ chức xin ý kiến sếp cho thành lập hội đồng xét tuyển. Sếp nói: “Hôm nay tôi giao cho ban nữ công làm hội đồng xét tuyển. Nếu tuyển chọn được một cấp dưỡng nấu ăn ngon, được bệnh nhân khen ngợi thì tổ nữ công hoàn thành nhiệm vụ”. Thế là mấy chị em trong ban nữ công cấp tốc bàn bạc cách ra đề, cách thi. Cuộc thi đã thành công. Hôm sau, chúng tôi phê bình sếp sao giao nhiệm vụ mà không báo trước. Sếp cười mà nói rằng: “Nếu báo trước sợ có người “chạy chọt” làm cho cuộc thi không khách quan. Tất cả nhân viên mới vào đều được thi tuyển một cách công bằng, công khai như trên”.
Lúc Nghị định 43 của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai, một số người đề nghị nên giải tán bộ phận cấp dưỡng, cho người ngoài vào hợp đồng nấu ăn vừa có lợi là tiết kiệm được khoản trả lương cho cho bộ phận cấp dưỡng, lại được nhà thầu căn tin trả một khoản tiền thuê mặt bằng cho bệnh viện. Sếp kiên quyết khước từ với lý do nếu cho thuê, chủ thầu căn tin sẽ lấy tiền từ tiêu chuẩn của người bệnh để trả lương cho cấp dưỡng, làm cho bữa ăn người bệnh giảm chất lượng.
Việc thứ tư sếp làm là triển khai khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chánh. Khởi nguồn việc làm đó như sau: Vào một buổi trưa hè nắng gắt, sếp đi kiểm tra tua trực. Ghé vào khoa khám, sếp hỏi cô điều dưỡng trực hôm đó rằng: “Trời nắng thế này, nếu mẹ cháu trên quê xuống khám bệnh mà không kịp giờ hành chánh, phải chờ đến chiều, cháu sẽ giải quyết ra sao?”. Nghe câu hỏi hơi lạ, nhưng cô điều dưỡng cũng trả lời rất thật thà: “Cháu sẽ đưa mẹ cháu vào giường nghỉ tạm, đợi đến giờ khám bệnh buổi chiều”. Sếp hỏi tiếp:” Thế không cho mẹ cháu ăn trưa à?”. “Có chứ, cháu sẽ đi mua cơm hộp cho mẹ ăn tạm”. Cô điều dưỡng trả lời xong, sếp chỉ tay ra gốc cây bàng trước sân, nơi có một bà cụ bệnh nhân đang ngồi chờ (do đến muộn, đã hết giờ khám bệnh), rồi nói: “Cháu ra dắt bà cụ vào và làm y như những việc mà cháu vừa nói nhé”. Đến buổi giao ban hôm sau, sếp lệnh cho mỗi khoa lâm sàng chuẩn bị dự trữ 3 bộ mùng, mền, chiếu để bệnh nhân được nhập viện khi đến khám bệnh bị chậm giờ, đồng thời đề nghị tua trực khám, tiếp nhận bệnh nhân đến ngoài giờ hành chánh ngay, không để bệnh nhân chờ. Sau đó ít lâu, bệnh viện có tờ trình và được Sở Y tế chính thức cho phép bệnh viện khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chánh.
Đối với bản thân và với cán bộ chủ chốt, sếp luôn khắt khe. Những năm đầu, sếp khuyên trong ban giám đốc bệnh viện chưa nên đăng ký CSTĐ, với lý do là sợ CBVC và hội đồng thi đua nể nang, cấp lãnh đạo có khuyết điểm thì ngại phê bình, đến cuối năm lại được thêm danh hiệu CSTĐ cấp này, cấp nọ, làm cho danh hiệu cao quý ấy mất tác dụng. Trong các cuộc họp, khi thấy sếp phê bình một số cán bộ chủ chốt thẳng thắn quá, một số người góp ý với sếp nên phê bình vừa vừa thôi, nếu không cán bộ sẽ mất uy tín, khó làm việc. Nhưng sếp vẫn cứng nhắc cho rằng uy tín được tạo dựng từ việc có khuyết điểm phải nghiêm khắc nhìn nhận và tích cực sửa chữa, nếu càng bao che thì cán bộ càng mất uy tín.
Vào các dịp cuối năm, nhìn danh sách thu nhập thêm ngoài lương ít ỏi của cán bộ CNVC, khuôn mặt sếp cứ nhăn nhó, đăm chiêu. Ngồi bên tách trà, sếp nói với chúng tôi như là đang trình bày với cấp trên vậy: “Không có ngành nào bất công như ngành Y tế, làm tăng năng suất mà không được thưởng. Ba năm liền, bệnh viện chúng ta có tỉ lệ sử dụng giường bệnh trên 120%, điều đó cũng có nghĩa là cường độ làm việc của nhân viên bệnh viện tăng thêm 20%. Vậy mà kinh phí trên giao không tăng. Nguồn thu từ BHYT, viện phí không đủ chi cho người bệnh, trong khi các ngành khác, họ vượt kế hoạch thì cuối năm được thưởng hàng chục triệu đồng”. Bức xúc quá thì nói thế, nhưng thường xuyên trong giao ban, sếp nghiêm cấm sử dụng các phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh cận lâm sàng không cần thiết để người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo giảm khó khăn khi đến với bệnh viện.
Những thành tích Bệnh viện YHCT đã đạt được như nhận các bằng khen, cờ thi đua của UBND tỉnh, của Bộ Y tế, Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước… là thành tích chung của tập thể, nhưng người “đứng mũi chịu sào”, người ngày đêm lo lắng, bền bỉ góp công sức đưa bệnh viện đi lên; người đứng đằng sau bóng cờ, các danh hiệu thi đua cao quý, người có nếp sống bình dị, khiêm nhường, quyết đoán, nói đi đôi với làm; người chiến binh năm xưa đã từng lăn lộn trong chảo lửa của thành cổ Quảng Trị, chính là sếp của chúng tôi - thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện YHCT Phú Yên.
Mới đây, sếp của chúng tôi là một trong số ít bác sĩ YHCT được nhận giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông của Bộ Y tế.
NGUYỄN THỊ NGA
(Bệnh viện YHCT Phú Yên)