Vài năm gần đây, khí hậu của nước ta có sự biến đổi phức tạp gây nhiều thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bão, lụt, hạn hán, lở đất… xảy ra với tần suất nhiều hơn, mức độ trầm trọng hơn. Nhiều bệnh trước đây đã khống chế được, nay có xu hướng bùng phát trở lại, các bệnh mới xuất hiện gây thành dịch, thậm chí thành đại dịch đã và đang đe dọa đời sống của con người.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, con người sống tốt nhất trong khí hậu có nhiệt độ từ 15-31oC và độ ẩm từ 60-80%, mọi thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm đều gây các rối loạn sinh lý của con người, từ đó gây ra một số bệnh. Hơn nữa, khi khí hậu thay đổi, một số tác nhân gây bệnh bùng phát, thậm chí làm biến đổi cấu trúc (biến đổi gien) trở nên gây bệnh cho con người. Hiện, các bệnh sau đây đang có xu hướng gia tăng, mà nguyên nhân theo các nhà khoa học là do biến đổi khí hậu.
Năm 2009, đại dịch cúm A/H1N1 bùng phát ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, làm hàng chục triệu người mắc, nhiều người đã tử vong, nhất là những bệnh nhân có bệnh lý tiểu đường, người già, người mắc bệnh mãn tính. Một điều đáng lưu ý là loại virus gây cúm A/H1N1 đã dập tắc từ năm 1918 (năm 1918 một dịch cúm A/H1N1 đã xảy ra ở Tây Ban Nha sau đó lan khắp châu Âu), đến nay mới bùng phát gây bệnh. Đặc biệt, trong cấu trúc của virus cúm A/H1N1 năm 2009 có tổ hợp gien khác với virus cúm A/H1N1 năm 1918. Nhiều người cho rằng, do biến đổi khí hậu làm cho loại virus này thay đổi cấu trúc gien để thích nghi.
Cúm A/H5N1 (còn gọi là cúm gà) là cúm gia cầm lây sang người. Người bị bệnh cúm A/H5N1 có triệu chứng lâm sàng nặng, suy đa phủ tạng, suy hô hấp nặng và dễ gây tử vong. Cúm A/H5N1 xuất hiện ở Hồng Kông năm 1998, sau đó nhanh chóng có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cúm A/H5N1 có từ năm 2003 và dai dẳng hàng năm đều có người mắc và tỉ lệ tử vong khá cao. Có nhiều bằng chứng khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu làm tăng thêm nguy cơ bùng phát bệnh.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, dịch sốt rét đã được khống chế, gần đây bệnh đang có xu hướng bùng phát.
Sốt xuất huyết, một loại bệnh gây thành dịch hết sức nguy hiểm. Đây là loại bệnh lưu hành quanh năm, cao điểm từ tháng 8 đến tháng 11, có vectơ truyền bệnh là muỗi aedes. Trước đây, sốt xuất huyết thường xảy ra ở đồng bằng nhiều hơn miền núi, nhưng gần đây bệnh xảy ra ở mọi nơi và chủng virus gây bệnh (virus dengue) đang có biến đổi phức tạp về cấu trúc, làm cho bệnh bùng phát mạnh hơn và triệu chứng lâm sàng cũng nặng nề hơn.
Ở nước ta nhiều thập kỷ trước đây, đặc biệt ở miền Bắc trước 1975, bệnh tả hầu như đã vắng bóng. Thế nhưng, các năm 2007, 2008, 2009 lại phát hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có dương tính với phảy khuẩn tả ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, kỷ lục là năm 2007, với khoảng gần 2.000 ca mắc, 2008 ghi nhận 853 trường hợp dương tính với phảy khuẩn tả tại 22 tỉnh, thành phố, 2009 và những tháng đầu 2010, các ca tiêu chảy cấp nguy hiểm cũng xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều tỉnh thành. Đây là nhóm bệnh lây qua nước, thực phẩm và thói quen mất vệ sinh. Khí hậu nóng lên, thiếu nước sạch làm mầm bệnh và ruồi nhặng - vật truyền bệnh dễ phát triển, do đó loại dịch bệnh này luôn đi kèm và tăng lên cùng với nghèo đói, thiên tại trong tương lai.
Ngoài ra, còn nhiều bệnh khác có xu hướng gia tăng liên quan đến biến đổi khí hậu như: bệnh hô hấp (bụi, nóng lạnh thất thường, phấn hoa...), tim mạch (nóng lạnh thất thường, căng thẳng...), bệnh tâm thần (căng thẳng...), bệnh ngoài da, dị ứng... cũng có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên