Hỏi: Chúng em nghe nói, muốn cứu sống người chết đuối, phải cấp cứu ngay trong mấy phút đầu và thực hiện kỹ thuật xoa bóp tim, hà hơi thổi ngạt. Có phải mọi người đều có thể thực hiện các kỹ thuật đó chứ không nhất thiết phải đợi nhân viên y tế?
Nguyễn Văn Hòa (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa)
Trả lời: Tai nạn do đuối nước là loại tai nạn thường gặp cho cả trẻ em và người lớn do tắm sông, tắm biển (mùa hè) do đi lại, sinh hoạt trong vùng ngập lụt (mùa mưa). Việc cấp cứu người chết đuối là nhiệm vụ của mọi người, không thể đợi nhân viên y tế, không thể chuyển đến cơ sở y tế được. Cấp cứu ban đầu rất quan trọng, sau khi ngưng tim, ngưng thở, chúng ta chỉ có khoảng 4-5 phút để làm công việc này, nếu quá thời gian trên, mọi việc trở nên vô nghĩa do não chỉ chịu được thiếu oxy không quá 5 phút.
Mọi người nên học cách hà hơi thổi ngạt và ấn tim để khi cần có thể cứu giúp nạn nhân.
Khi đưa được người bị chết đuối lên cạn, phải xác định ngay nạn nhân còn thở hay không (quan sát lồng ngực, kề tai vào mũi bệnh nhân), tim còn đập không (bắt mạch, kê tai vào lồng ngực). Nếu nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở thì lập tức thực hiện hà thổi ngạt và ấn tim ngay. Chỉ khi nạn nhân thở được và có tim đập thì mới được di chuyển, đem nạn nhân đi hoặc vừa di chuyển, vừa cấp cứu, đừng quên ủ ấm nạn nhân. Sau khi cấp cứu có hiệu quả, phải chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế vì có nhiều biến chứng rất nguy hiểm do ngạt nước cần được theo dõi xử trí như loãng máu, nhiễm khuẩn, hạ thân nhiệt, phù phổi,…
Hà hơi thổi ngạt: Đặt nạn nhân nằm ngửa, hơi dốc (để dẫn lưu nước ra), một tay bịt mũi nạn nhân, người cấp cứu hít sâu và thổi vào miệng nạn nhân (thấy lồng ngực nhô lên là đạt). Nếu có dị vật ở miệng phải móc ra trước. Cũng có thể thổi vào mũi nạn nhân (bịt miệng lại). Nếu nạn nhân là trẻ nhỏ có thể ngậm luôn cả mũi và miệng để thổi, nhịp độ khoảng 15 lần/phút.
Ấn tim: Ngồi ngang bên ngực nạn nhân, chống thẳng cánh tay lên phần giữa ngực, hai bàn tay úp lên nhau, ấn mạnh xuống, dùng sức nặng cơ thể để ấn xuống theo nhịp khoảng 60 lần/phút.
Hai biện pháp trên phải làm đồng thời nếu có 2 người, nếu chỉ có một người thì cứ 4 lần ấn tim thì hà hơi một lần, và luân phiên như vậy. Tốt nhất nên có 2 người cùng làm, vì một người sẽ không đủ sức để cấp cứu nạn nhân trong vòng vài chục phút. Nạn nhân có thể phục hồi rồi ngưng lại nhiều lần nên có thể cần phải cấp cứu liên tục.
BS ĐOÀN VĂN HẢI