Qua kiểm tra 6 mẫu cá (lấy tại chợ Đông Tác và chợ Phú Lâm, TP Tuy Hòa) mới đây, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm - thực phẩm Phú Yên đã tìm thấy 4 mẫu có nhiễm phân urê với hàm lượng khá cao. Đây là những mẫu cá được vớt ra từ thùng nhựa có chứa nước.
Những con cá sơn, cá phèn, cá đổng... vảy cứng, mắt trong, thịt chắc... nhưng khi nấu lên không ngon ngọt và nặng mùi, rất khó ăn. Nguyên nhân là số cá trên bị ướp phân urê để giữ tươi. Theo các chuyên gia y tế việc ăn nhiều hải sản có ướp phân urê sẽ mang lại những hậu quả khó lường, thậm chí bị ung thư. Thế nhưng, hiện nay hải sản ướp phân urê đang được bán công khai ở các chợ ở Phú Yên, hầu như ít được các cơ quan chức năng can thiệp.
Người dân băn khoăn chọn cá- Ảnh: M.NGUYỆT |
VÔ TƯ ƯỚP CÁ BẰNG URÊ
Khi hòa tan phân urê trong nước khiến nhiệt độ trong nước giảm mạnh. Ngư dân lợi dụng việc này, sau khi đánh bắt được cá thường ướp urê để làm lạnh rồi bỏ cá vào hầm đá để giữ cá tươi lâu. Urê không màu, không mùi nên bằng mắt thường khó phân biệt được cá nào đã ướp, cá nào chưa bị ướp urê. “Hầu như rất ít tàu đánh bắt xa bờ không mua phân urê để ra khơi ướp cá. Thay vì phải chở theo hàng tấn đá cây và muối để ướp, họ chỉ cần mang theo vài ký urê” - ngư dân L.T.V ở phường Phú Đông khẳng định. Ông V còn thổ lộ: “Ban đầu tụi tui cũng không tin phân urê ướp được cá, nhưng vài lần làm thử thì thấy nước pha urê cũng lạnh lạnh như nước đá mà còn giữ được độ tươi lâu hơn đá lạnh”.
Theo lời của những người khuân vác cá lẻ ở chợ Tuy Hòa, nếu hôm nào thấy cá, tôm... không “ngon” mắt thì ngay lập tức những chủ hàng hòa nước phân urê với đá để ngâm. Liều lượng ngâm nhiều hay ít là tùy từng người, nhưng dùng càng nhiều thì càng giữ được độ tươi lâu. Các chủ hàng hải sản tại chợ Tuy Hòa nhanh tay cho cá, mực vào những chiếc thùng lớn, sau đó trút can nước để sẵn vào và khuấy đều chừng 20 phút cho hải sản săn lại rồi rửa sạch, cho ra các khay nhựa. Đó là nước urê pha loãng. Bà N.T.H, buôn cá ở chợ Tuy Hòa, không ngần ngại cho biết: “Bất kể loại hải sản nào, trước khi đưa ra chợ chỉ cần cho chúng vào thùng đá đã “tráng” qua lớp nước urê thì để cả ngày vẫn tươi roi rói như vừa vớt dưới biển lên”. Một chủ vựa cá ở phường 6, TP Tuy Hòa vô tư kể: “Hòa tan phân urê sau đó đập đá lạnh bỏ vào là có thể ướp hải sản tươi ngon trong suốt 1-2 ngày. Muốn cá, tôm tươi lâu thì cứ ngâm trong nước ấy”.
Điều lo ngại là không một chủ vựa cá tôm nào thừa nhận hành vi tẩm ướp urê, dù các mẫu phát hiện được lấy tại ô vựa của họ. Một số người bán cho rằng, nhiều khả năng ngư dân đánh bắt trên biển tẩm ướp urê vào tôm cá, bởi khi lênh đênh trên biển nhiều ngày trong điều kiện đánh bắt còn thô sơ thì không giải pháp bảo quản nào hay hơn là dùng hóa chất, mà urê là giải pháp được chọn vì giá rẻ, gọn gàng dễ vận chuyển.
NGƯỜI TIÊU DÙNG HOANG MANG
Trong thực tế đã có không ít bữa cơm gia đình mất ngon chỉ vì món canh cá hoặc tôm kho, mực hấp... có cả phân urê. Thực ra, không phải đến bây giờ người tiêu dùng mới có thông tin về việc hải sản tươi ướp phân urê, nhưng ít ai biết cách phân biệt thật, giả và hiểu rõ ngọn nguồn sự việc. Chị L.T.H khi đi chợ về khoe đã mua cá ở chợ phường 6 (TP Tuy Hòa) vừa tươi lại vừa rẻ. Song, khi về làm sạch, chị H mới thấy ngờ ngợ. Và nồi canh cá khi ăn thấy bốc mùi khai. Theo kinh nghiệm của nhiều người, nên mua cá người ta đổ ra sàng còn dính cát biển và rác thì mới bảo đảm. Chính vì vậy, cá câu, cá lưới thường có giá cao hơn và hút hàng. Chị H nói: “Gần như nhà tôi ngày nào cũng ăn món cá, mà tình trạng cá ướp urê tôi không nhận ra được. Cứ vài tháng mình lại mua phải thứ cá không đảm bảo chất lượng”.
Thấy tôi phân vân về việc mua cá, anh T.N.T, một ngư dân ở phường 6 chỉ dẫn: “Đừng nên mua cá người ta vừa vớt từ trong thùng nhựa có nước, trong đó có ngâm urê để giữ độ tươi. Cá chỉ thật tươi khi đang còn nhớt”. Trong thời buổi dịch bệnh ở gà, heo, bò xảy ra liên miên, người tiêu dùng tìm đến cá. Tuy rất đắt, nhưng ăn cá chưa phải là an toàn. Chuyện 4 ngư dân ở TP Đà Nẵng bị chết hồi tháng 7/2010 vì hỗn hợp khí độc do phân urê (dùng để bảo quản cá, mực… trên tàu) phân hủy tạo ra và tích tụ lại, gây ngộ độc.
Hiện nay hệ thống pháp lý để xử phạt hành vi dùng hóa chất cấm để ướp tẩm còn khá chung chung và nhẹ, không đủ sức răn đe. Mọi “tội vạ” người tiêu dùng gánh chịu. Thiết nghĩ, tất cả các biện pháp kiểm tra cũng chỉ là rượt đuổi đằng ngọn. Cái gốc là thay đổi ý thức của người đánh bắt thủy hải sản, người buôn bán để triệt tiêu việc dùng hóa chất bảo quản.
Tác hại của urê trong ướp hải sản Urê (phân đạm) là một hợp chất hữu cơ của các bon, nitơ, ôxy và hyđrô, có công thức hóa học là (NH2)2CO. Do urê có tính diệt khuẩn, mặt khác khi ướp sẽ phân hủy tạo thành các chất nitrat, nitrit (như muối diêm), nên kéo dài được thời gian bảo quản cá. Ở nước ta trong điều kiện nóng, cá rất dễ bị nhiễm khuẩn và ươn (phân hủy protein), urê trong điều kiện này sẽ phân hủy ra nitrat, nitrit nhiều hơn, giữ màu sắc cho cá, nhất là màu hồng ở mang cá, làm cho cá tưởng như tươi. Hơn nữa urê giá rẻ, nên thường dùng lượng nhiều, lại ướp lâu, thấm vào cá nhiều, lượng nitrat, nitrit sinh ra cũng sẽ nhiều, điều này dễ dẫn đến gây độc cấp tính như khi dùng muối diêm quá giới hạn cho phép. Urê thấm vào cá, hoặc không kịp biến đổi hoặc biến đổi thành các chất trung gian khác như: amoniac (có mùi khai, khi nấu bị mất đi một phần nhưng phần còn lại làm cho cá có mùi vị lạ, khó chịu, ăn không ngon, và acid cyauric, acid cyanic gây độc). Urê và các chất trung gian này làm cho tổng lượng nitơ trong thực phẩm tăng lên, làm mất cân bằng nitơ trong thực phẩm, ăn vào không có lợi. Trong thời gian ướp, có thể xảy ra quá trình phân hủy thối protein và sự có mặt nitrit (do urê phân hủy) sẽ dễ tạo thành nitrosamine, một chất gây ung thư. Do vậy, nước ta cấm dùng urê để bảo quản thực phẩm (trong đó có việc ướp cá như nói trên). Khi ra chợ mua cá, nhất là cá biển cần chú ý: ngửi xem cá có mùi khai (do amoniac) không. Xem kỹ mang cá có màu đỏ tự nhiên không (nếu ướp urê thì có màu đỏ, nhưng khác màu tự nhiên). Không nên mua loại cá có vẻ tươi này. Khi nấu cá, nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu, thì không nên ăn. Nếu cho nhiều hương vị, chiên ở nhiệt độ cao có thể làm cải thiện mùi vị cá, nhưng lại tạo thành nitrosamin, việc làm này rất nguy hại cho cơ thể. Nếu phát hiện mình đã mua nhầm phải thực phẩm được bảo quản bằng phân urê, nên loại bỏ vì ăn mất ngon mà còn có hại. THU THỦY (Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm - thực phẩm Phú Yên)
VŨ HOÀNG