Thứ Bảy, 05/10/2024 16:16 CH
Phòng tránh ngộ độc ở trẻ em
Thứ Hai, 11/10/2010 07:00 SA

Ngộ độc thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là bé trai. Sự thiếu hiểu biết hoặc thờ ơ của người lớn “góp phần” làm ngộ độc ở trẻ nhỏ dễ xảy ra hơn. Những yếu tố hay gây độc cho trẻ thường gặp là thuốc, hóa chất gia dụng và thức ăn.

 

Trẻ dưới 1 tuổi bị ngộ độc thường do cha mẹ cho dùng lầm thuốc, dùng quá liều hoặc không biết rõ tác dụng của thuốc; phổ biến nhất là thuốc chống nôn, kháng histamin, nhỏ mũi co mạch... Trẻ từ 1 đến 3 tuổi đã có thể trèo lên ghế, với lên kệ cao, mở ngăn kéo bàn, tủ, mở nút chai lọ và cho vào miệng mọi thứ lấy được. Trẻ cũng thích nuốt những thứ có vị lạ, các loại thuốc nhìn giống như kẹo hay dung dịch hóa chất giống như xi-rô. Khi khát, trẻ có thể uống ừng ực các loại nước tẩy rửa, dầu hỏa nếu chúng được đựng trong chai nước suối, nước ngọt, bình đựng nước.

 

Sau khi trẻ nuốt vào, những chất độc từ thuốc hay hóa chất sẽ xuống dạ dày đến ruột. Tại đây, chúng sẽ thấm qua ruột vào máu, nếu ở ruột lâu sẽ ngấm vào máu nhiều và gây ngộ độc nặng hơn. Nếu trẻ nôn ra ngay sau khi nuốt thì có thể tống được chất độc ra khỏi cơ thể trước khi vào ruột. Những chất không thấm qua thành ruột sẽ không đi vào máu và không gây ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể. Chúng sẽ theo phân ra ngoài và không gây độc.

 

Trẻ cũng có thể hít phải những chất độc như khí từ động cơ chạy xăng, khói từ bếp dầu, than, củi đốt. Khí, khói độc bị tụ lại trong phòng đóng kín sẽ qua hơi thở vào miệng, mũi, đi xuống phổi và vào máu rất nhanh.

 

Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải quan sát kỹ chung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây ngộ độc và đem theo chúng đến bệnh viện. Hãy liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Nếu bị ngộ độc do tiếp xúc qua da, cần cởi bỏ quần áo trẻ, rửa da bằng xà phòng và nhiều nước, tránh chà xát mạnh vì sẽ làm chất độc thấm qua da nhanh hơn. Nếu trẻ hít phải khí độc, lập tức đưa ra chỗ thoáng khí, mở rộng cửa. Sau khi sơ cứu, đưa trẻ đến bệnh viện ngay, không được chậm trễ.

 

Phần lớn các trường hợp ngộ độc ở trẻ xảy ra tại nhà. Do vậy biện pháp phòng ngừa chủ yếu là tạo sự an toàn cho trẻ ở gia đình và an toàn trong sử dụng thuốc. Thuốc chữa bệnh phải đặt trong tủ thuốc trên cao, xa tầm nhìn và tầm với của trẻ. Không để trẻ tự uống thuốc. Đừng bao giờ nói với trẻ thuốc là kẹo, là bánh, là nước ngọt, không cho trẻ chơi với các lọ thuốc. Cũng đừng uống thuốc khi có mặt trẻ, vì trẻ em thường thích bắt chước người lớn.

 

Tất cả các hóa chất như chất tẩy giặt, thuốc diệt chuột, thuốc nhuộm tóc... phải để đúng trong hộp, đặt trong tủ đóng kín, có chìa khóa càng tốt. Để tránh ngộ độc thức ăn, không cho trẻ ăn những thứ đã để qua đêm mà không cất trong tủ lạnh. Dạy trẻ không được tự ý uống hay ăn những chất lạ.

 

BS ĐINH THỊ BÍCH THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chọn thực phẩm tốt cho gan
Chủ Nhật, 10/10/2010 18:00 CH
Nghe nhạc có lợi cho sức khỏe
Chủ Nhật, 10/10/2010 16:15 CH
10 mẹo hay để có giấc ngủ ngon
Thứ Bảy, 09/10/2010 17:30 CH
10 mẹo hay tránh bệnh cúm và cảm lạnh
Thứ Bảy, 09/10/2010 16:15 CH
15 điều đàn ông không nên bỏ qua
Thứ Sáu, 08/10/2010 16:10 CH
Phát hiện dược liệu có chất gây ung thư
Thứ Năm, 07/10/2010 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek