Chủ Nhật, 06/10/2024 05:41 SA
Dịch sốt xuất huyết tại TX Sông Cầu:
Cần sự phối hợp tích cực của người dân
Thứ Hai, 13/09/2010 14:00 CH

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng giảm ở một số địa phương, nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở TX Sông Cầu. “Vấn đề hiện nay là phải làm sao để mỗi người dân tự ý thức phối hợp cùng với chính quyền dập tắt ổ dịch”. Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Trần Thêm chia sẻ.

 

song-cau-100913.jpg

Điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Đa khoa Sông Cầu - Ảnh: T.L

 

Nhiều người dân ở TX Sông Cầu còn rất chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh SXH, coi đó là công việc của người khác… gây nhiều khó khăn cho cán bộ y tế và lãnh đạo địa phương trong quá trình xử lý dịch bệnh. Trước tình hình này, UBND TX Sông Cầu đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để dập tắt dịch bệnh.

 

DỊCH BỆNH PHỨC TẠP, NGƯỜI DÂN THỜ Ơ

 

Hầu hết các thôn, khu phố ở 14 xã, phường của TX Sông Cầu đều có bệnh nhân mắc SXH. Tính đến ngày 10/9, toàn thị xã có 862 trường hợp mắc SXH (trong đó có 73 ca SXH độ III, độ IV), chưa có trường hợp tử vong.

 

Từ đầu mùa dịch đến nay, hầu như ngày nào cũng có thêm nhiều ca bệnh mới nhập viện. Đột biến, có ngày Bệnh viện Đa khoa Sông Cầu tiếp nhận và điều trị trên 50 trường hợp.

 

Mặc dù địa phương này đã chủ động và tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH, nhưng bệnh vẫn tiếp tục phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn và ngày càng lan rộng, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

 

Ông Trần Thêm cho biết: Chính quyền địa phương rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Rất nhiều biện pháp được đưa ra nhằm khống chế dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa thể dập tắt được. Ngày 23/8/2010, UBND TX Sông Cầu đã ra Chỉ thị số 03/CT-UBND triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch sốt Dengue/SXH Dengue. Trong đó, huy động cả hệ thống chính trị, từ thị xã đến cơ sở tham gia tổng vệ sinh diệt bọ gậy, diệt muỗi, phòng chống dịch SXH. Nhưng trên thực tế, công tác này triển khai xuống các cơ sở không mấy hiệu quả do sự thiếu nhiệt tình của cấp xã, phường và đặc biệt là sự thờ ơ của người dân.

 

Ngoài ra, nguyên nhân của tình trạng này còn do hệ thống y tế cấp xã trên địa bàn mỏng, đội ngũ cán bộ y tế lại quá ít, có xã chỉ có 3 cán bộ y tế phụ trách trên một địa bàn rộng. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường khiến công tác đổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi không hiệu quả. TX Sông Cầu là “xứ dừa” nên việc giải quyết các “núi” vỏ dừa đổ tràn lan, mưa xuống làm tổ cho muỗi sinh sản cũng là một vấn đề nan giải của địa phương.

 

Ông Trần Thêm thừa nhận, địa phương cũng còn nhiều thiếu sót trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Các cơ quan chuyên trách chưa tham mưu kịp thời cho chính quyền những biện pháp hiệu quả để đối phó với tình hình dịch bệnh. Các biện pháp đưa ra còn có phần chung chung, chưa triệt để, không sát với tình hình thực tế. Việc kiểm tra, giám sát dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi ở cơ sở còn bỏ sót nhiều nơi, khiến muỗi vẫn còn chỗ ẩn nấp, sinh sản. Lực lượng tham gia phun hóa chất chưa nắm bắt đầy đủ phương pháp, kỹ thuật phun thuốc nên làm không hiệu quả… Song, quan trọng nhất là nhận thức của người dân về việc phòng chống dịch bệnh còn kém. Người dân chưa ý thức hết được tầm nguy hiểm của dịch bệnh nên còn khá chủ quan.

 

CẦN SỰ PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên: “Để khống chế dịch bệnh, việc phun hóa chất chỉ là thứ yếu, vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền, động viên nhân dân làm tốt công tác dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, không để muỗi có nơi sinh sản, truyền bệnh”. Phát động phong trào Toàn dân diệt bọ gậy, trong đó lấy hộ gia đình làm gốc, vận động mọi thành phần trong gia đình, xã hội (nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, học sinh) tham gia diệt bọ gậy. Đồng thời, mỗi xã phải lập kế hoạch, vẽ sơ đồ cụ thể từng thôn, khu phố để triển khai đổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi một cách toàn diện, triệt để, và đồng bộ”. Ông Trúc cho biết thêm, để hỗ trợ cho TX Sông Cầu, Sở Y tế sẽ có kế hoạch điều động một số sinh viên Trường Trung cấp Y tế và các cán bộ chuyên môn về côn trùng, dịch tễ thay phiên nhau hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân. Tất cả các đơn vị khác, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, đều phải phối hợp tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

 

Một hoạt động xuyên suốt của cán bộ và nhân dân TX Sông Cầu trong suốt mùa dịch này là tổ chức dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trên toàn địa bàn vào mỗi ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh chung, nằm ngủ trong mùng để tránh muỗi truyền bệnh. Vận động người dân không giấu bệnh hoặc tự ý chạy chữa ở các cơ sở tư nhân. Phòng chống dịch bệnh không thể là công việc của riêng một cá nhân hay tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ăn trứng giúp giảm cân, tăng trí tuệ
Thứ Hai, 13/09/2010 08:05 SA
Sỏi thận
Thứ Hai, 13/09/2010 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek