Chủ Nhật, 06/10/2024 07:22 SA
Sỏi thận
Thứ Hai, 13/09/2010 08:00 SA

Hỏi: Tôi bị sỏi thận đã 5 năm, từng mổ sỏi 1 lần, giờ hay bị đau lưng, kiểm tra lại thấy có nhiều sỏi nhỏ 2 bên thận. Tôi có nên dùng các bài thuốc nam trị sỏi thận? Liệu có phương pháp điều trị nào hiệu quả hơn.?

 

Trần Ngọc Phương (phường 2, TP Tuy Hòa)

 

Trả lời: Cho đến nay, việc hình thành sỏi thận vẫn còn là vấn đề đang tìm hiểu. Tuy nhiên, giả thuyết chung là các tinh thể bình thường vẫn hòa tan trong nước tiểu, khi có yếu tố thuận lợi bị kết dính lại hình thành viên sỏi. Các yếu tố thuận lợi gồm: giòng nước tiểu chậm lại do đường dẫn tiểu bị tắc (do dị tật chít hẹp, do viêm nhiễm trước đó, do bị chèn ép…), thường hay nhịn tiểu, uống ít nước, độ pH nước tiểu bị thay đổi do nhiễm trùng.

 

Người Việt Nam thường bị sỏi can xi, chiếm đến 80% trường hợp. Sỏi oxalat cũng chiếm tỉ lệ cao ở nước ta, oxalat kết hợp với can xi tạo thành sỏi canxi oxalat. Xét nghiệm nước tiểu không thể biết được loại sỏi, phải kiểm tra trực tiếp viên sỏi.

 

Bệnh sỏi thận biểu hiện bằng đi tiểu ra máu và khuynh hướng dễ bị nhiễm trùng đường tiểu cùng với đau phía sau lưng, ở một bên sườn trên đường di chuyển của hòn sỏi. Có thể bị tiểu ít và suy thận cấp nếu như sỏi gây tắc cả hai bên.

 

Nhiều trường hợp bị sỏi thận nhưng không hề có triệu chứng gì. Khi đột ngột bị đau co thắt dữ dội, đi tiểu ra máu là do viên sỏi gây tắc nghẽn trong đường niệu, đường niệu phải tăng co thắt để tống viên sỏi ra gây đau đớn và chảy máu. Nếu viên sỏi nhỏ (kích thước dưới 5mm) không xù xì có thể may mắn tống được ra ngoài sẽ hết đau, hoặc viên sỏi rơi vào bàng quang sẽ qua được cơn đau cấp. Nếu sỏi thường gây đau, nhiễm trùng đường tiểu, ứ nước thận, cần được can thiệp để lấy sỏi ra.

 

Từ trước đến nay, đông cũng như tây y đã rất nỗ lực tìm kiếm thuốc làm tan sỏi, nhưng chỉ thành công ở một số trường hợp. Mỗi thuốc có thể tác dụng với một loại sỏi, do đó không thích hợp với mọi người. Nhiều bài thuốc dân gian cũng được thử nghiệm ví dụ kim tiền thảo, dứa nước, chuối hột, rau ngổ… nhưng có trường hợp khỏi bệnh, trường hợp không khỏi bệnh.

 

Hiện tại, để điều trị sỏi thận người ta chỉ khuyên một điều duy nhất là uống thật nhiều nước để đi tiểu nhiều và không nên nhịn tiểu quá lâu. Cần điều trị các nhiễm trùng đường tiểu thỏa đáng. Trong ăn uống, không quá lạm dụng các thức ăn nhiều can xi, hạn chế thức uống có nhiều oxalat (sô cô la, cà phê…), hạn chế purin có nhiều trong các món ăn như cá khô, tôm khô, lạp xưởng, lòng heo, lòng bò. Cách can thiệp ngoại khoa lấy sỏi như mổ hoặc siêu âm tán sỏi phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người (số lượng, kích thước, vị trí sỏi…) do các bác sĩ chuyên khoa quyết định.

 

Bác sĩ ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek