Chủ Nhật, 06/10/2024 17:20 CH
Giun đũa chó
Thứ Hai, 16/08/2010 08:00 SA

Hỏi: Người tôi hay bị nổi mẩn ngứa, xét nghiệm ở TP HCM được chẩn đoán là bị nhiễm giun đũa chó. Cho uống thuốc xổ 20 ngày, sau đó xét nghiệm lại vẫn còn dương tính. Tôi có nên tiếp tục uống thuốc nữa không, vì trong người cũng không có biểu hiện bệnh gì khác ngoài triệu chứng trên.

 

(Lê Thị Mỹ Nga, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa)

 

Trả lời: Giun đũa chó, tên khoa học là Toxocara canis, là một loại ký sinh trùng ký sinh trong đường tiêu hóa chó mèo. Kích thước, hình thể gần giống giun đũa người, dài khoảng từ vài cm đến 20cm. Giun lây nhiễm qua con vật khác bằng trứng hoặc ấu trùng. Người bị nhiễm do nuốt trứng trưởng thành hoặc ăn thịt chó, mèo có chứa ấu trùng chưa được nấu chín kỹ.  Sau khi tiêu hóa, ấu trùng tách ra khỏi trứng trưởng thành đi qua thành ruột, theo máu, bạch huyết đến những cơ quan phủ tạng khác, tồn tại dưới dạng kén ấu trùng hoặc bị vôi hóa sau nhiều tháng.

 

Nhiều người nhiễm giun chỉ có biểu hiện tăng bạch cầu ưa axit trong máu và xét nghiệm huyết thanh học dương tính nhưng không có triệu chứng bệnh.

 

Hai triệu chứng bệnh chính của nhiễm giun đũa chó là nhiễm ấu trùng nội tạngnhiễm ấu trùng mắt. Nhiễm ấu trùng nội tạng chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ (trước tuổi đi học), ấu trùng xâm nhập nhiều cơ quan phủ tạng như gan, tim, phổi, não, cơ gây nên các triệu chứng như: sốt, chán ăn, sút cân, ho, thở khò khè, gan lách to, ban ngứa, tăng bạch cầu ưa axit. Nhiễm ấu trùng mắt thường xảy ra ở trẻ lớn và người trưởng thành, có thể gây các bệnh mắt khác nhau như: viêm võng mạc, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, viêm nhãn cầu; đôi khi bị chẩn đoán nhầm với u nguyên bào võng mạc (một loại u ác tính phải được phẫu thuật khoét mắt). Trong dạng ấu trùng mắt, hiếm khi có tăng bạch cầu ưa axit hoặc kèm ấu trùng nội tạng.

 

Ở người, chẩn đoán nhiễm giun đũa chó không dựa vào xét nghiệm phân tìm trứng giun như đối với các loại giun sán khác vì ấu trùng giun đũa chó không phát triển thành giun trưởng thành trên người. Chẩn đoán giả định dựa vào các triệu chứng nghi ngờ (thường không đặc hiệu như đề cập trên), tiền sử có tiếp xúc với chó, mèo, xét nghiệm máu có tăng bạch cầu ưa axit, xét nghiệm huyết thanh học dương tính (phát hiện có kháng thể đối với Toxocara bằng kỹ thuật ELISA).

 

Điều trị bằng các loại thuốc xổ giun thông thường như Albendazole, Mebendazole, tuy nhiên phải uống kéo dài (thời gian điều trị hiệu quả vẫn chưa được xác định chắc chắn) ví dụ Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 200mg x 2 lần/ngày trong 5 ngày; cũng có khuyến cáo điều trị từ 2-3 tuần.

 

Vấn đề là ở chỗ có nên điều trị không khi chỉ có mỗi xét nghiệm huyết thanh dương tính? Điều này đòi hỏi quyết định thận trọng của bác sĩ điều trị tùy từng trường hợp cụ thể, vì hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định thời gian tồn tại của kháng thể đối với Toxocara sau khi bị nhiễm, do đó chẩn đoán bệnh vẫn không đặc hiệu và phải dựa vào nhiều yếu tố.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những biến chứng nguy hiểm từ viêm xoang
Chủ Nhật, 15/08/2010 07:00 SA
Bệnh vì xem phim
Thứ Bảy, 14/08/2010 07:00 SA
Giảm cholesterol bằng thực phẩm
Thứ Ba, 10/08/2010 18:23 CH
Tín hiệu khi cơ thể bị stress nặng
Thứ Ba, 10/08/2010 16:23 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek