Thứ Ba, 08/10/2024 19:30 CH
Mangan
Thứ Hai, 03/05/2010 13:00 CH

Hỏi: Trước đây, tôi có nghe nói nước máy ở TP Hồ Chí Minh bị đục do chứa nhiều Mangan. Gần đây nước giếng nhà tôi cũng bị đục, không biết có phải do Mangan. Nước có nhiều Mangan có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe, thưa bác sĩ?

 

Lê Ngọc Anh, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa)

 

Trả lời: Nước bị đục có thể có nhiều nguyên nhân: nhiều cặn lơ lửng, nhiều vi khuẩn. Nước bị nhiễm Mangan (Mn) chủ yếu là nước trong hệ thống đường ống cũ làm bằng các hợp chất kim loại có Mn. Nói chung nước bị đục chứng tỏ đã không đạt chất lượng cho mục đích sinh hoạt, ăn uống, cần được kiểm nghiệm xác định nguyên nhân để khắc phục.

Mangan là một kim loại nặng, cứng, giòn, rất phổ biến trong tự nhiên ở dạng quặng các oxyt mangan, nhất là MnO­2 , có trong nước sông, suối, nước biển, trong thực vật và động vật. Mn được sử dụng trong nhiều công kỹ nghệ: chế tạo hợp kim que hàn, thủy tinh, sành sứ, pin ắc quy, nhiều hợp chất hóa học, thuốc tím sát trùng.

 

Trong công nghiệp, bụi khói Mn có thể gây nhiễm độc nghề nghiệp nặng với các rối loạn thần kinh vận động: run tay, nét mặt đờ ra, các cơn cười và khóc vô cớ. Mn nhiễm độc tích tụ nhiều ở gan, mật, thận, phổi. Nhưng vi lượng Mn lại là một trong các vi chất thiết yếu cho sự sống. Chuột thí nghiệm cho ăn thiếu Mn thì phát triển không bình thường, chức năng sinh sản, tạo xương đều bị ảnh hưởng.

 

Cơ thể người lớn chứa từ 10-20mg Mn, chủ yếu trong các cơ, xương, gan, tủy, máu và thận. Máu có khoảng 10microgam/l, chủ yếu ở trong hồng cầu.

 

Trong cơ thể người Mn có tác dụng oxy hóa, trung hòa các gốc tự do. Mn gắn vào nhiều enzym để tham gia tổng hợp các protein, hemoglobin, prothrombin và cholesterol, tạo ure từ amoniac, tạo insulin, tổng hợp glucose từ các nguồn cacbonhydrat và tham gia tạo hóc môn sinh dục nam. Mn còn tham gia quá trình tạo xương, và giúp cho sự đàn hồi của các sụn khớp, hạn chế các bệnh khớp. Mn còn có tác dụng tốt trong các rối loạn dị ứng hen, chàm.

 

Nhu cầu Mn hằng ngày từ 2-3mg. Mn có nhiều trong lương thực, gạo, cám, ngô, bột mì, các loại đậu đỗ, đậu tương, các hạt có dầu, trà (chè). Thịt, cá, trứng, trái cây có ít Mn hay không có.

 

Thông thường, thức ăn hằng ngày, nhất là lương thực, gạo không xay xát trắng quá, đậu phụ, trà, cung cấp đủ nhu cầu Mn. Rất ít thấy hiện tượng thiếu Mn, trong các viên thuốc bổ đa vi chất không có Mn để tránh dư thừa. Mn quá dư thừa có thể làm rối loạn hệ thần kinh, phổi, thận, tim mạch và tinh hoàn. Trong nước uống hàm lượng Mn không được quá 0,3mg/l (theo QCVN 01:2009).

 

Bác sĩ ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek