Chủ Nhật, 06/10/2024 10:25 SA
Tiến sĩ tâm lý Trần Thiện Thuần:
Môi trường giao tiếp lành mạnh: Điều cần thiết trong cơ sở y tế
Thứ Hai, 23/02/2009 19:00 CH

Tiến sĩ Trần Thiện Thuần, Trưởng bộ môn Giáo dục sức khỏe - Tâm lý giao tiếp Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh vừa về Phú Yên giảng dạy kỹ năng giao tiếp và tâm lý tiếp xúc người bệnh cho đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Thiện Thuần về vấn đề này.

 

anh-ts-thuan-1.jpg

Tiến sĩ Trần Thiện Thuần (đứng) truyền đạt kỹ năng giao tiếp và tâm lý tiếp xúc người bệnh cho nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

 

* Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò giao tiếp giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà của họ?

 

- Giao tiếp giữa thầy thuốc với người bệnh và thân nhân của họ là vấn đề gần như bắt buộc để tạo sự đồng cảm, chia sẻ. Chính sự đồng cảm, chia sẻ có thể giúp bệnh nhân giải tỏa bệnh tật, tạo sự thông cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Đó cũng là nét văn hóa trong ứng xử, để người bệnh cảm thấy hài lòng và muốn quay trở lại bệnh viện khi chẳng may bị đau ốm. Hiện nay, người thầy thuốc mới chỉ được học để chữa bệnh cho con người. Nhưng con người không chỉ đau, bệnh mà còn khổ tâm nữa. Nỗi khổ tâm nhiều khi còn nặng nề hơn cả nỗi đau, dài lâu hơn nỗi đau. Vì vậy, trước một người bệnh suy sụp, khủng hoảng tinh thần, chìm trong tuyệt vọng... thì người thầy thuốc không thể chỉ giúp họ bằng những kỹ thuật y khoa hiện đại và thuốc men. Theo các nhà khoa học, thuốc điều trị chỉ đáp ứng 30% giúp người bệnh khỏi bệnh. Vì vậy, bệnh nhân cần lắm những lời nói, ánh mắt, cử chỉ ân cần của người thầy thuốc, khi họ chẳng may phải vào bệnh viện khám chữa bệnh.

 

Việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết về xây dựng một môi trường giao tiếp, trong đó kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

 

* Tiến sĩ muốn truyền đạt đến nhân viên y tế ở bệnh viện điều gì?

 

- Giao tiếp trong y tế là vấn đề bức xúc trong y tế công hiện đại. Hậu quả giao tiếp của nhân viên y tế là khó lường. Nền tảng để có “phong cách giao tiếp y tế” là đức-tâm “thầy thuốc như mẹ hiền”. Những nguyên nhân dẫn đến sai lầm của nhân viên y tế là không biết phương pháp, không thấy hết tầm quan trọng của giao tiếp. Họ bị chi phối bởi hoàn cảnh cá nhân, bởi quá tải, chạy theo lợi nhuận, tự mãn; nhân viên thiếu năng lực, quan liêu…

 

Nhân viên y tế ở bệnh viện cần luôn luôn cười, vui vẻ lắng nghe, thể hiện sự nhiệt tình khi tiếp xúc với bệnh nhân. Cần đồng cảm và trấn an bệnh nhân. Khi đồng cảm là đã tỏ rõ thái độ cho bệnh nhân hiểu được rằng thầy thuốc đang lo lắng, nghe họ nói và hiểu rõ vấn đề họ đang đề cập đến. Phần lớn bệnh nhân đến gặp bác sĩ để khám đều có tâm lý lo lắng, bất an, nên nhân viên y tế cần giải tỏa tâm lý cho họ bằng cách trấn an.

* Theo tiến sĩ, những yếu tố nào tác động đến giao tiếp của nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân?

 

- Lao động y tế là lao động đặc thù, có lúc đòi hỏi phải khẩn trương giành giật từng giây, từng phút để cứu sống người bệnh, có lúc đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì theo phương châm “còn nước còn tát”. Trong công việc, họ phải chịu nhiều sức ép của dư luận xã hội và cả những hành vi không đúng của người nhà bệnh nhân khi không đáp ứng được yêu cầu trong chữa trị, hoặc khi người bệnh chết... Mặt khác, họ cũng phải chịu nhiều chi phối của xã hội như đời sống khó khăn. Tình trạng căng thẳng của nhân viên y tế càng tăng ở những bệnh viện lớn, bệnh viện tâm thần, hoặc khi phải đối phó với các dịch bệnh lớn, dài ngày... Tất cả những điều đó chi phối hành vi tâm lý và ảnh hưởng đến thái độ ứng xử của nhân viên y tế đối với người bệnh.

 

Trong khi đó, đối tượng giao tiếp, chăm sóc của nhân viên y tế là bệnh nhân và người nhà người bệnh lại có những đặc điểm, diễn biến tâm lý hết sức phức tạp, phụ thuộc nhiều yếu tố như hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn, nhận thức...

 

* Làm thế nào để có một môi trường giao tiếp lành mạnh trong các cơ sở y tế?

 

- Xã hội ngày nay là xã hội dịch vụ, nghề thầy thuốc là nghề cao quý và phải luôn phát huy khẩu hiệu: “Lương y như từ mẫu”. Vậy mà, có một bộ phận bác sĩ vẫn còn thái độ chưa tốt với bệnh nhân. Bởi vậy, nếu bệnh viện muốn tạo “thương hiệu”, trước mắt phải tạo niềm tin trong người dân, phải làm tốt dịch vụ bằng cách trau dồi kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế với đồng nghiệp, với bệnh nhân.

 

Để có một môi trường giao tiếp lành mạnh trong các cơ sở y tế, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, xây dựng những khuôn mẫu ứng xử phù hợp tiêu chuẩn đạo đức xã hội và thích hợp giữa các đối tượng có quan hệ giao tiếp hai chiều, đó là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà người bệnh. Trước hết, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế phải là những người chủ động xây dựng kỹ năng giao tiếp, chủ động tạo ra một môi trường giao tiếp có văn hóa, lành mạnh, thực hiện đầy đủ quy trình khám, chữa bệnh trên cơ sở tôn trọng hết lòng vì người bệnh.

 

Bản chất của việc xây dựng môi trường giao tiếp ứng xử trong các cơ sở y tế không chỉ là khuyến khích hay quy định nhân viên y tế có những lời nói nhẹ nhàng theo kiểu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế trong giao tiếp. Cần cải tổ bệnh viện theo hướng vì bệnh nhân, phải thân thiện; không có bệnh nhân của anh, của tôi, bệnh nhân của chúng ta. Không thờ ơ trước tình cảnh của bệnh nhân. Bởi một ngày nào đó, chính nhân viên y tế cũng là bệnh nhân - hãy nhớ lấy điều này!

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

THU THỦY (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek