Vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến là từ để miêu tả việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm với các phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật bởi thực phẩm gây ra.
Cân nhắc kỹ trước khi mua thực phẩm handmade để tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm |
Việc vệ sinh này cũng bao gồm một vài thói quen, thao tác ở khâu chế biến để giữ cho thực phẩm không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm, để tránh những nguy cơ sức khỏe tiềm năng nghiêm trọng.
Phải là người sản xuất có lương tâm
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến, người sản xuất, chế biến thực phẩm phải có lương tâm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.
Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt phải đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Không sử dụng phân tươi bón ruộng, nuôi cá. Việc giết mổ gia súc, gia cầm phải qua kiểm soát của cơ quan thú y; không buôn bán, vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm bị bệnh.
Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải cập nhật kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, được kiểm tra sức khỏe định kỳ và đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan đến chế biến thực phẩm.
Thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh như dùng tay bốc thực phẩm, xì mũi, ngoáy tai... Phải mang khẩu trang, bảo hộ đúng cách; rửa tay bằng xà bông và nước sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn, trước, trong và sau khi chế biến thức ăn.
Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải đảm bảo môi trường luôn sạch và khô ráo. Rác, thức ăn thừa, nước thải phải được xử lý triệt để, cống rãnh sạch thoáng. Thiết bị, dụng cụ chế biến thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không để ruồi, kiến, gián, chuột, bụi tiếp xúc…
Thực phẩm phải chế biến theo quy trình một chiều, từ sơ chế đến tinh chế, nấu nướng, bảo quản và sử dụng. Không để nhiễm ngược hay nhiễm chéo giữa các thực phẩm, giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín. Dụng cụ chế biến thực phẩm sống, chín phải riêng biệt; không được chế biến thực phẩm dưới đất hay sát nền nhà.
Thực phẩm phải chế biến đúng cách và phải được nấu kỹ. Các loại rau quả phải được ngâm kỹ, rửa bằng nước sạch dưới vòi nước chảy. Các loại quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Sử dụng phụ gia hay phẩm màu đúng loại, đúng liều lượng, đúng danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Đồ ăn handmade được mua từ niềm tin
Với tâm lý chuộng thực phẩm tự nhiên, chế biến thủ công, không sử dụng hóa chất bảo quản, ngày càng nhiều người ưa chuộng chọn thực phẩm handmade. Người tiêu dùng mua thực phẩm handmade thường tin vào người bán quảng cáo là sản phẩm mới làm, không có chất bảo quản, hóa chất. Nhưng liệu chúng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?
Khi hỏi về việc mua đồ ăn handmade, có nhiều lý do đưa ra: Vì công việc bận rộn nên thường xuyên mua thực phẩm online thông qua mạng xã hội Facebook, hoặc từ bạn bè, người quen giới thiệu là do nhà làm. Hay nhiều người cũng thường mua đồ thực phẩm chế biến sẵn để dùng, không chỉ đồ khô mà ngay cả những món để bày tiệc như nem, chả, bánh cuốn, bún khô... cũng được đặt mua trên mạng.
Hỏi lý do vì sao lựa chọn thực phẩm handmade, điều chia sẻ đầu tiên là có thể điều chỉnh theo khẩu vị; mua ủng hộ, mua vì đó là sản phẩm tự làm “giống mình”, tin rằng người bán hàng handmade tự kiểm tra và tự đảm bảo không có chất bảo quản, không có nhiều loại phẩm màu…
Nhiều người cũng biết không phải cứ đồ handmade là hoàn toàn sạch và an toàn nhưng nó vẫn sẽ có chất lượng tốt và đảm bảo hơn do người bán làm họ biết cách làm hơn mình và thực phẩm ngon hơn. Nhiều người còn chia sẻ chỉ mất vài giờ dạo chợ online là đã sắm đủ thực phẩm tết cho cả gia đình.
Khác với những loại thực phẩm có thương hiệu của các công ty sản xuất có nhãn mác, thành phần, hạn sử dụng, những người làm đồ ăn handmade đa phần là phụ nữ, tự chế biến sản phẩm với số lượng khiêm tốn. Ban đầu họ làm chỉ để phục vụ bản thân, nhưng sau đó, trước nhu cầu đến từ những người quen thân, họ mở rộng hơn.
Nhằm thu hút khách hàng, người bán thực phẩm handmade thường cất công tìm tòi nhiều công thức mới lạ, liên tục thay đổi mẫu mã, sáng tạo trong cách làm, tạo thêm các loại thực phẩm với hương vị độc đáo và phong phú, tạo từ những phá cách ẩm thực kiểu mới, thỏa mãn sự rất háo hức trải nghiệm với đồ ăn handmade mà hoàn toàn không nghĩ tới vấn đề an toàn thực phẩm.
Những nguy cơ tiềm ẩn từ đồ ăn handmade
Phương tiện tiếp cận khách hàng của người bán này thường là mạng xã hội Facebook hoặc Zalo. Để quảng cáo sản phẩm, người bán hàng đăng tải những phản hồi của người mua về sản phẩm và các hình ảnh chế biến được đăng tải nhằm tạo lòng tin đối với khách mua hàng.
Đồ ăn handmade thường được bán online nên không phải lúc nào sản phẩm cũng đúng như quảng cáo. Cũng không ít người than phiền: “Cũng có vài lần, mua đồ ăn handmade không sử dụng được nhưng có sao đâu, chỗ này không ngon thì mình mua chỗ khác”.
Chị Thu, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Do thời điểm cuối năm công việc bận rộn nên thay vì ra cửa hàng, mình đặt mua một hũ gà khô lá chanh của một người quen trên mạng. Thế nhưng, khi mở hàng, gà khô đã bị lên mốc, có mùi hôi, khác hẳn với hình ảnh gà khô lá chanh được rao bán bắt mắt, hấp dẫn trên fanpage bán hàng.
Bánh kẹo, khô bò, khô gà, xúc xích, bánh ba, ya ua, kẹo nougat (một loại kẹo được làm từ marshmallow, các loại hạt như hạt dẻ, hạnh nhân, nho khô hay bất kỳ loại hạt, quả khô nào được ưa thích) handmade đã trở thành một xu hướng của người tiêu dùng hiện đại. Để phục vụ khách hàng, các mặt hàng phụ kiện đi kèm cũng được bày bán nhiều trên thị trường như hộp đựng bánh, túi giấy, khuôn làm bánh được thiết kế với kiểu dáng ngộ nghĩnh với mức giá khá rẻ.
Đặc biệt, phần lớn các sản phẩm bánh kẹo handmade không có nhãn mác, thông tin nguồn gốc xuất xứ, thành phần, nguyên liệu, hạn sử dụng thì việc rủi ro về an toàn thực phẩm là rất lớn. Người bán hàng chỉ cam kết chất lượng bằng miệng và gần như nếu xảy ra bất cứ sự cố nào thì người tiêu dùng hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Theo Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực…
Tuy vậy, vấn đề kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm handmade vẫn là một việc không đơn giản. Thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất lạc hậu; bên cạnh đó thói quen không quan tâm đến nguồn gốc và thương hiệu của người tiêu dùng đã làm cho mặt hàng được gắn mác handmade bán tràn lan mà không có sự kiểm soát hoặc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc.
Bởi vậy, trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm đang còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như hiện nay, lời khuyên cho người tiêu dùng là nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn những sản phẩm handmade, nếu có thể, nên chọn lựa những nguyên liệu, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
NHẠN NGUYỄN
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)