Hen phế quản (dân gian gọi hen suyễn) là một trong những bệnh biến đổi theo mùa, diễn tiến nặng khi tiếp xúc các yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết. Bệnh hô hấp mạn tính này không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên việc tuân thủ điều trị sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng.
Người bệnh cần phải làm gì để “sống chung” yên ổn với hen phế quản, đặc biệt là tránh các đợt cấp, tránh những cơn hen kịch phát, gây nguy hiểm đến tính mạng? Phóng viên Báo Phú Yên đã trao đổi với ThS.BS Nguyễn Minh Hoàng (Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai) bên lề chương trình tập huấn, khám sàng lọc, phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại tuyến cơ sở, do Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tổ chức mới đây. BS Nguyễn Minh Hoàng cho biết:
- Những năm trước, bệnh nhân hen phế quản chưa tiếp cận thông tin, chưa được tiếp cận đầy đủ thuốc điều trị dẫn đến việc không được điều trị đúng và điều trị đủ. Do đó, tỉ lệ bệnh nhân hen phế quản nhập viện do đợt cấp rất cao.
Sau khi triển khai chương trình đào tạo ở các tuyến trong mấy năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy việc quản lý bệnh nhân ở các tuyến bắt đầu tốt lên, lượng bệnh nhân nhập viện do đợt cấp hen phế quản giảm rõ rệt. Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân hen phế quản nặng phải nhập viện rất thấp.
Tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, hằng tháng có các bệnh nhân hen phế quản đến khám và nhận thuốc, chủ yếu là để duy trì và theo dõi việc điều trị. Những bệnh nhân được quản lý ổn thì có thể 2-3 tháng mới tái khám một lần, điều đó rất thuận tiện cho họ.
Bác sĩ cần hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc, xử lý môi trường sống. Điều này cực kỳ quan trọng để giảm thiểu các đợt cấp nặng cho bệnh nhân. Người bệnh dùng thuốc một cách đều đặn và tái khám, làm xét nghiệm, theo dõi thường xuyên cũng sẽ giúp bác sĩ đánh giá, dự phòng được tình trạng bệnh.
* Đâu là những yếu tố nguy cơ mà người bệnh cần tránh để không xuất hiện những đợt cấp hen phế quản, thưa bác sĩ?
- Các yếu tố nguy cơ bao gồm: Tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên gây dị ứng, gồm dị nguyên về đường hô hấp, trong đó có mạt bụi (một loài bọ cực nhỏ thuộc họ nhện, sống trong bụi nhà và có thể tồn tại ở khắp nơi, đặc biệt là trong phòng ngủ - PV).
Đây là yếu tố dị nguyên chiếm tỉ lệ lớn trong các bệnh dị ứng nói chung, hen phế quản nói riêng. Thứ hai là phấn hoa, thứ ba là các yếu tố dị nguyên từ thức ăn, như hải sản, nhộng tằm... Ngoài ra, người bệnh cần phải kiểm soát việc vận động. Ở một số bệnh nhân, hen phế quản sẽ khởi phát đợt cấp khi họ vận động gắng sức nhiều.
Một số bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid hoặc thuốc chẹn beta để điều trị bệnh tim mạch cũng có thể làm khởi phát đợt cấp hen phế quản. Điều đó đòi hỏi các bác sĩ khi thăm khám sẽ phải khai thác thật kỹ tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, các thói quen sinh hoạt của bệnh nhân để từ đấy tư vấn cho họ tốt hơn.
Ví dụ như hướng dẫn bệnh nhân xử lý môi trường sống thật kỹ, giặt chăn, drap trải giường, vỏ gối bằng nước nóng để diệt mạt bụi; vệ sinh máy quạt, máy điều hòa không khí; tránh tiếp xúc với lông chó, lông mèo; tránh môi trường ẩm thấp, nấm mốc… Làm được điều đó thì tình trạng bệnh sẽ cải thiện rất nhiều, tránh các đợt cấp, các đợt kịch phát hen phế quản.
* Bác sĩ có thể cho biết vào thời điểm giao mùa và trong mùa mưa lạnh, người bệnh hen phế quản cần lưu ý những gì để bệnh không diễn tiến xấu hơn?
- Giao mùa là thời điểm bệnh nhân dễ bị cúm hoặc các nhiễm trùng đường hô hấp trên. Để tránh mắc bệnh thì phải chủ động tiêm phòng cúm. Ngoài ra, phải vệ sinh tai - mũi - họng, khoang miệng… thường xuyên để tránh các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn, bội nhiễm, từ đấy tránh khởi phát cơn hen phế quản cấp.
Trời lạnh cũng là một yếu tố sẽ kích phát, gây ra các đợt cấp hen phế quản. Vì vậy, bệnh nhân cần phải giữ ấm cơ thể; trước khi đi ra ngoài thì đeo khẩu trang để tránh bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, khi mùa đông đến, bệnh hen phế quản dễ khởi phát các đợt cấp nên cần kiểm soát các yếu tố dị nguyên và các hoạt động gắng sức.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Đơn vị Quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú thuộc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã được triển khai và đi vào hoạt động, tạo một bước ngoặt trong công tác quản lý, điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi phát hiện những trường hợp mắc bệnh, các bác sĩ đưa vào quản lý, nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ để ổn định sức khỏe, tránh những đợt cấp. |
YÊN LAN (thực hiện)