Vào dịp tết Trung thu, nhu cầu sử dụng bánh kẹo tăng rất cao. Nhiều hoạt động đã và đang được triển khai mạnh mẽ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại khách sạn Tui Blue (TP Tuy Hòa). Ảnh: VÕ PHÊ |
Truyền thông nâng cao nhận thức
Khi tết Trung thu 2024 đến gần, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động truyền thông tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm, quy định nguồn gốc bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm, vệ sinh ăn uống, lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn...
Hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm an toàn trong dịp tết Trung thu.
Ông Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng ATTP (Sở Y tế) cho biết: Phòng ATTP đang phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông. Đối với chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nội dung truyền thông là thực hiện quy định pháp luật về ATTP, quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, thông qua hoạt động truyền thông, chúng ta hướng dẫn cách lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Người dân chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Song song với công tác truyền thông, hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Các đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập ở các cấp, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP; kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm bao gói phục vụ tết Trung thu; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn; đồng thời kiểm tra giám sát chặt chẽ việc vận chuyển thực phẩm từ nơi khác đến nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP.
Tập trung thanh kiểm tra cơ sở sản xuất
Trong công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường bảo đảm ATTP tết Trung thu 2024, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…; kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo ATTP, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự thì đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định 12 ngày 3/6/2020 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Sở Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đối với hơn 400 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Hằng năm, hoạt động kiểm tra được tiến hành trên 90% tổng số cơ sở này. Trong dịp tết Trung thu 2024, Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP tại các cơ sở trên. Hoạt động kiểm tra diễn ra từ ngày 4-18/9. Thông qua đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP...
Ông Lê Sỹ Kim lưu ý: Trên thị trường xuất hiện những mặt hàng thực phẩm trôi nổi mang nhãn mác nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, qua báo chí, chúng ta đã biết ở một số địa phương khác đã xảy ra tình trạng nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh kẹo không rõnguồn gốc xuất xứ được bày bán trước cổng trường. “Để đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình, người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không mua và không sử dụng thực phẩm không rõnguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác đầy đủ”, ông Lê Sỹ Kim nhấn mạnh.
Để đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình, người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không mua và không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác đầy đủ.
Ông Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng ATTP (Sở Y tế) |
YÊN LAN