Thứ Hai, 07/10/2024 17:27 CH
Cảnh giác với bệnh tiêu chảy cấp
Thứ Hai, 01/12/2008 07:30 SA

Bệnh tả do Vibrio cholerae gây ra. Người nhiễm vi khuẩn do uống nước hoặc ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn này. Vibrio cholerae là vi khuẩn gram âm có hình dạng giống như chiếc roi, chiếc gậy uốn cong, nhìn giống như dấu phẩy nên người ta gọi là phẩy khuẩn tả. Hai loại phẩy khuẩn chính là phẩy khuẩn tả cổ điển và phẩy khuẩn Eltor.

 

Phẩy khuẩn tả có thể tồn tại trong nhiều loại động vật sống ở các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn, đặc biệt trong tôm, cua, ốc, hến, sò... Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy dịch tả thường bùng phát vào thời gian sinh sản mạnh của các động vật này.

 

Vibrio cholerae sản sinh độc tố gây tiêu chảy do tác động của độc tố lên niêm mạc ruột. Cơ thể bị nhiễm trùng nặng có biểu hiện triệu chứng bệnh nặng hoặc tử vong. Biểu hiện hạ huyết áp ở người đang khỏe mạnh bị nhiễm vi trùng có thể xảy ra vài tiếng đồng hồ, tiếp theo là trụy mạch. Trong đa số trường hợp, khoảng 4-12 tiếng sau lần tiêu chảy đầu tiên, người bệnh bị sốc mất nước và có thể tử vong sau khoảng 18 giờ đến vài ngày nếu không được điều trị. Tỉ lệ chết của bệnh nhân mắc bệnh này rất cao (có thể lên đến 50-60%) nếu không được điều trị kịp thời. Cho bệnh nhân uống nhiều nước và chất điện giải hoặc truyền tĩnh mạch là biện pháp hữu hiệu bù lại lượng dịch thể đã mất, phục hồi hoạt động của hệ tuần hoàn và các mô.

 

Bệnh tả nguy hiểm nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì sẽ khống chế, dập tắt được dịch nếu có xảy ra. Để phòng bệnh tả cần thực hiện tốt các yêu cầu như: Chỉ uống nước đã được đun sôi (nước chín), tránh uống các loại nước giải khát chưa được kiểm tra xuất xứ và vệ sinh; chỉ ăn thức ăn đã được nấu chín, tốt nhất là ăn nóng; tránh hoặc hạn chế tối đa ăn các loại rau sống trong vùng đang có dịch hoặc nghi có dịch; khu nấu ăn và dụng cụ nấu ăn phải đảm bảo vệ sinh; rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh hay cầm nắm các vật dụng công cộng, dụng cụ lao động. Khi dịch đã xuất hiện, vệ sinh ăn uống là quan trọng nhất. Trong và sau khi điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh nhân phải được xét nghiệm phân bắt buộc để khi xuất viện không còn trở thành nguồn lây bệnh.

 

Phú Yên tuy chưa có bệnh tả xuất hiện, nhưng do nằm trên trục giao thông Bắc-Nam, có cả đường sắt, đường bộ và hàng không nên nguy cơ lây nhiễm bệnh từ vùng khác tới là rất lớn. Vì vậy mỗi người, mỗi cộng đồng dân cư cần cảnh giác và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, ăn chín uống sôi... để đề phòng dịch bệnh nguy hiểm này.

                        

BS NGUYỄN VINH QUANG

          (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek